Mùa biển lở

Người ta thường nói “Tháng ba bà già đi biển”, vậy mà những ngày này, nhiều làng chài nằm dọc bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, người dân vẫn phải chật vật gom từng cục đá, bao cát, khúc cây, sợi dây thừng… để mong chặn những con sóng dữ đang nhào tới hòng cướp đi những ngôi nhà của chính họ. 5 năm qua, khi mùa gió Bấc về, những cơn sóng biển hung tợn cứ thế ngày đêm âm thầm “gặm nhấm” rồi “nuốt chửng” hàng trăm mảnh đất, căn nhà trước sự bất lực của những người dân nghèo xứ biển nơi đây. “Mùa biển lở” năm nay cũng vậy, những căn nhà, hàng dừa ven biển còn sót lại sau những lần bị biển “nuốt” vẫn đang run rẩy chực chờ đổ ập xuống…

Người dân thôn Tiến Đức tận dụng mọi thứ có thể để mong giữ lại ngôi nhà của mình

Ám ảnh tiếng sóng đêm

Trưa một ngày đầu tháng ba, bà con thôn ven biển Tiến Đức (xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thay vì đã ra khơi đánh bắt hải sản như thường lệ, thì hàng chục người đủ lứa tuổi ai nấy đều lấm lem gắng sức tìm mọi cách mong níu lại những căn nhà, bức tường còn sót lại sau đợt biển “nuốt” nhà vừa mới xảy ra. Dưới cái nắng chói chang, bà Ngô Thị Hậu (70 tuổi) gồng mình bê những khối bê tông, đem về chặn những con sóng dữ đang ập vào những gì còn lại của căn nhà xiêu vẹo. Chỉ tay vào những vết nứt trên tường nhà, bà Hậu chia sẻ: “Những căn nhà bên cạnh đã sập hết rồi. Nhà tôi chắc chỉ một cơn sóng lớn nữa là cũng trôi ra biển luôn. Rồi không biết làm gì, ở đâu…”.

Với người dân thôn Tiến Đức, chuyện biển “nuốt” nhà do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn diễn ra như thường xuyên trong suốt 5 năm qua và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đến đây trong những ngày này, hình ảnh một làng chài ven biển yên bình, nằm nép mình dưới những hàng dừa xanh ngát ngày nào giờ thay vào là những đống bê tông đổ nát, những gốc cây khô khốc, trơ ngọn, đổ vật ra bãi biển. Nhiều ngôi nhà không còn tìm thấy dấu vết. “Bao đời sống cùng với biển nên tiếng sóng biển thường rất gần gũi đối với chúng tôi. Thế nhưng, từ ngày bờ biển bị sạt lở, nhiều nhà bị biển “nuốt” nên giờ mỗi đêm nằm ngủ nghe tiếng sóng biển vỗ mạnh là chúng tôi bị ám ảnh, cả đêm không dám ngủ để canh chừng”, ông Lê Mẫn, người dân nơi đây tâm sự.

Đưa danh sách những hộ dân bị sạt lở, ông Tống Duy Mạnh, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thôn Tiến Đức có 309 hộ thì đã có tới 152 hộ bị sạt lở hầu như hoàn toàn, 65 hộ thì nhà đang trong tình trạng có thể đổ sụp bất kỳ lúc nào.

Cùng hoàn cảnh với người dân ven biển thôn Tiến Đức, những ngày này, hơn 100 hộ dân khu vực Bậc Lở (thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cũng đang phải sống trong nỗi bất an. Chị Nguyễn Thị Thạch, người dân nơi đây bàng hoàng kể lại: “Vào các đêm chỉ còn cách Tết Nguyên đán 2017 vài ngày, biển xâm thực, sóng lớn đánh liên tiếp vào ngôi nhà của tôi. Ngôi nhà lung lay dữ dội, tôi chỉ kịp lôi hai đứa con ra ngoài trước khi căn nhà bị biển cuốn đi mất”. Từ đó cho đến nay, khu vực này đã bị sóng biển làm sập, hư hỏng hơn 10 căn nhà và hiện đang đe dọa trực tiếp đến 114 hộ. Để có chỗ trú chân, hiện nhiều hộ dân đang phải dùng xi măng, bao cát và dây thừng làm kè chắn tạm trước nhà. Trong gần một năm qua, căn nhà của ông Đặng Hoàng Vũ (ngụ thôn Vĩnh Hưng) dù đã được gia cố nhiều lần, nhưng chỉ sau một đợt triều cường, sóng lớn thì mọi cố gắng đều “đổ sông, đổ bể”. “Bây giờ trong xóm chúng tôi, cứ đêm nào nghe tiếng sóng lớn là cả nhà chuẩn bị tinh thần để… chạy!”, ông Vũ thổ lộ.

Thôn Tiến Đức, khu Bậc Lở chỉ là 2 trong những điểm “đen” thường xuyên xảy ra tình trạng triều cường, sạt lở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.  Một số khu vực khác ở địa phương này như xã Tân Phước (thị xã La Gi), phường Hàm Tiến và Đức Long (TP Phan Thiết)… bờ biển cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân sinh sống ven biển những nơi này đang bị đe dọa.

Bà Ngô Thị Hậu (70 tuổi) ngày ngày ôm từng cục đá, khối bê tông về níu giữ ngôi nhà của mình đang chực chờ bị cuốn đi

Mong thoát “đời biển lở”

Năm 2016, nhận định khu vực thôn Tiến Đức đã bị sạt lở nghiêm trọng, UBND TP Phan Thiết khẩn trương tiến hành khu tái định cư để di dời những hộ dân này về nơi an toàn. Thế nhưng, có mặt tại khu đất tái định cư này, chúng tôi khá bất ngờ vì hiện chỉ có khoảng 10 hộ dân về ở, các hộ còn lại hiện vẫn phải bám víu vào những ngôi nhà lung lay bên bờ biển. Đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Văn Cư, Phó thôn Tiến Đức, ông cho biết: “Nhiều bà con nơi đây giờ đang phải chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền mà xây nhà! Hiện toàn thôn đang có khoảng 20 hộ dân bị mất nhà hoàn toàn phải đi ở nhà người thân hoặc đi ở trọ. Hoàn cảnh vô cùng bi đát”. Tiếp lời, bà Trần Thị Năm giãi bày: “Toàn bộ nhà cửa, của cải của chúng tôi đã bị biển cuốn đi hết rồi, giờ gạo không có ăn thì sao dám mơ có nhà mới ở”.

Theo thông tin từ UBND xã Tiến Thành, tính đến nay mới có 10/116 hộ được giao đất thực hiện xây dựng; 14 hộ không chịu nhận quyết định giao đất và số còn lại chưa thực hiện xây dựng nhà ở. Chia sẻ về việc này, Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: “Phần lớn người dân khu vực này sinh sống bằng nghề biển ven bờ nên đời sống hết sức khó khăn. Việc chạy ăn từng bữa đã khó nên tích góp tiền để xây dựng nhà càng thêm khó. Chính vì vậy nhiều hộ dân mong muốn nhận đất xây dựng. Cần có kinh phí hỗ trợ thêm để bà con có thể xây được một căn nhà nhỏ ổn định cuộc sống”. Bởi, nói như bà Hậu, người dân ở đây ví cuộc đời mình như “đời biển lở”, chẳng biết khi nào được trọn vẹn.

Còn đối với những hộ dân khu vực Bậc Lở, Hàm Tiến, La Gi,… do hầu hết các ngôi nhà khu vực này đang mới bắt đầu bị biển “gặm nhấm”, nên người dân nơi đây mong ước được đầu tư một kè chắn sóng đủ vững chãi để che chở lâu dài. Thế nhưng, mặc dù hiện nay tỉnh Bình Thuận đã thông qua một số dự án xây kè chắn sóng tại các khu vực nói trên, nhưng do hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nên dù các dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư nhưng vẫn chưa được triển khai thi công.

NGUYỄN TIẾN

Tin cùng chuyên mục