Dịch SXH vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cho người dân rất lo lắng, đặc biệt không ít người khi bị SXH đã tự ý điều trị bằng cách truyền dịch tại nhà và sử dụng các thuốc hạ sốt, khiến dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm (sốc, co giật, trụy mạch, tràn dịch, suy thận…), không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị mà còn đe dọa tới tính mạng.
Coi chừng mất mạng
Coi chừng mất mạng
Gần 5 ngày nằm viện điều trị SXH tại Bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, nhưng chị L.T.H. (ở Thanh Trì, Hà Nội) vẫn rất mệt mỏi và khó thở vì biến chứng do tự ý truyền dịch.
Chia sẻ với chúng tôi, chị L.T.H. cho biết trước đó khoảng một tuần, khi thấy cơ thể có biệu hiện đau nhức, sốt và chán ăn, chị đã nhờ y tá của một phòng khám tư tới nhà để truyền dịch và vitamin vì nghĩ rằng bị sốt virus nên truyền dịch sẽ sớm khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau 2 ngày truyền dung dịch nước muối sinh lý, vitamin và kháng sinh, tình trạng sức khỏe của chị H. chẳng những không khả quan mà còn sốt cao hơn, thỉnh thoảng lại có biểu hiện co giật.
Gia đình lập tức đưa chị H. vào BV cấp cứu, qua thăm khám, bác sĩ xác định bệnh nhân bị SXH đã biến chứng do việc lạm dụng truyền dịch dẫn tới tụt huyết áp, chảy máu bất thường, tràn dịch, việc điều trị cho nữ bệnh nhân này rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Các bác sĩ cho biết, trong mùa dịch SXH đang bùng phát, đã có không ít trường hợp người bệnh bị sốt cao nhưng không tới BV khám vì ngại quá đông, đã nhờ người tới truyền dịch tại nhà mà không hề biết đang có nhiều mối nguy hiểm rình rập khi tự ý chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Đống Đa, cho biết BV từng tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nhiều trường hợp bị SXH biến chứng do tự ý truyền dịch tại nhà, trong đó có cả những trường hợp trẻ nhỏ là nạn nhân của việc cha mẹ tự làm... “bác sĩ”. Mới đây, BV đã tiếp nhận một bệnh nhi 13 tuổi, được người thân đưa tới cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, sốt cao li bì, người phù...
Qua xét nghiệm, siêu âm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi này đã bị tràn dịch màng phổi, màng tim, do gia đình đã tự truyền tới 5 chai nước muối sinh lý tại nhà cho cháu bé để… hạ sốt.
Các bác sĩ đã phải tháo ra hàng lít dịch truyền từ trong người bệnh nhân và tiến hành bù điện giải, cháu bé mới qua cơn nguy kịch.
Đừng tự ý và lạm dụng
Theo Bộ Y tế, trong tổng số ca mắc SXH trên cả nước, riêng Hà Nội có hơn 27.700 trường hợp với 7 ca tử vong, và đang là địa phương có số người mắc SXH cao nhất cả nước. Mặc dù số người mắc SXH tại các tỉnh, thành phố gần đây có chiều hướng giảm so với đầu tháng 8-2017, nhưng trước tình hình thời tiết đang diễn biến phức tạp (đặc biệt tại miền Bắc, miền Nam, miền Trung đều có mưa nhiều, tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển), dịch SXH vẫn có nguy cơ gia tăng mạnh mẽ số người mắc và tử vong trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Y tế cảnh báo, từ nay đến cuối năm, công tác chống dịch SXH cần phải tiếp tục được tăng cường, tập trung vào việc diệt lăng quăng, diệt muỗi và phun hóa chất vệ sinh môi trường. Đặc biệt, người dân không nên tự ý truyền dịch không đúng chỉ định, để phòng những biến chứng nguy hiểm.
Theo nhiều chuyên gia y tế, bệnh SXH thường kéo dài 7 - 10 ngày và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân đang sốt cao, người mệt mỏi, nếu truyền dịch sẽ rất dễ bị sốc, lên cơn co giật. Giai đoạn 2, bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, đau bụng, chảy máu bất thường, tràn dịch màng phổi… Đây là giai đoạn tăng thấm, rất dễ bị thoát dịch qua màng bụng, cần phải truyền dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ thấm ra ngoài của cơ thể, nhưng phải truyền theo chỉ định và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ. Giai đoạn cuối là phục hồi, sẽ diễn ra quá trình tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong giai đoạn này sẽ dẫn tới thừa dịch, gây biến chứng phù phổi.
Làm rõ hơn những biến chứng nguy hiểm của việc tự ý truyền dịch khi bị SXH, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai, cho biết nhiều bệnh nhân SXH bị sốt cao, vã mồ hôi, chán ăn trong 3 ngày đầu mắc bệnh, thường có tâm lý muốn truyền dịch để đỡ mệt. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng truyền dịch được.
Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh nên nếu truyền dịch sẽ dễ bị sốc và khi đã sốc thì rất khó để cứu sống. Trong quá trình SXH, có giai đoạn bị mất dịch (thường là 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn có hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu tự ý truyền dịch sẽ gây hiện tượng thừa dịch, dẫn tới phù phổi và các biến chứng nguy hiểm. “Vì thế, việc tính toán tốc độ truyền, dịch truyền là do bác sĩ chỉ định trên từng thể trạng, bệnh nhân không nên tùy tiện muốn là truyền, sẽ rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường cảnh báo. Hơn nữa tuyệt đối không được truyền dung dịch đạm có pha vitamin cho bệnh nhân SXH, vì rất dễ dẫn tới sốc. Bệnh nhân SXH nếu phải truyền dịch thì tốt nhất chỉ truyền dung dịch nước muối sinh lý để bảo đảm an toàn, cùng với đó tăng cường chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cho người bệnh.