ĐBSCL, Đông Nam bộ: Nông dân nhấp nhổm theo mưa
Ngày 10-1 là ngày thứ 3 liên tiếp ĐBSCL xuất hiện mưa khá nặng hạt, khiến những người trồng hoa hết sức lo lắng khi thời điểm xuất bán hoa tết đã cận kề. Tại thủ phủ hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp), ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán Tôi yêu màu tím, lo lắng: Tình hình thời tiết hiện nay, mưa lớn kéo dài liên tục như vậy thì các loài hoa nở sẽ khó cứu. Đây là lần thứ 2 trong 40 năm qua tình hình thời tiết như vậy mới đáo lại. Loại hoa dễ bị ảnh hưởng nhất là vạn thọ, cúc mâm xôi và cúc các loại. Sau khi hết mưa, trời nắng lên thì 2 loại hoa này dễ bị tình trạng “cổ trầu”. Theo ông Tiếp, do trong nước mưa có tính axít, nên khi nắng lên, đối với những hoa đã nở được nửa bông thì dễ bị đốm đốm, giống như dính bả trầu. Giải pháp trước mắt là đợi khi nắng lên, rồi phun nước vào để rửa nước mưa. Nhưng trong 24 giờ qua, trời chưa ngưng mưa, các thành viên hội quán sốt ruột, đứng ngồi không yên.
Ở Bà Rịa- Vũng Tàu, một số hộ dân trồng hoa tết ở làng hoa Kim Dinh (TP Bà Rịa) và xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ) cho biết, thời tiết cuối năm không mấy thuận lợi, nắng ít nên hoa không đẹp. Đã vậy, trời còn đổ mưa nên cúc đại đóa không nở và không ít nhà vườn phải trả lại tiền cọc cho thương lái. Để phục vụ tết, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống khoảng 100ha các loại hoa, tăng khoảng 20% diện tích so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người nông dân.
Tương tự, nhiều vựa hoa tết ở huyện Củ Chi (TPHCM) cũng bị ảnh hưởng do mưa những ngày qua. Tại vựa hoa của mình với sắc đỏ, tím, vàng anh Nguyễn Văn Tài (xã Trung Lập Hạ) than thở: “Trời đang nắng gắt, lại đổ mưa liên tù tì, khiến các nụ hoa mai bung sớm. Rồi hoa hồng bị mưa làm giập, tui phải dọn đi để người mua hoa khỏi chê bai”. Giá bán hoa hồng rẻ thì 150.000 đồng/chậu, còn chậu lớn cũng 500.000 đồng; còn mai, chậu có dáng, thế đẹp, bông cả chục triệu đồng, nhưng do mưa hoa bị giập, không bán buôn gì được.
Đà Lạt: Hoa nở chậm
Tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận, người trồng hoa đang “lên ruột” trước những cơn mưa bất chợt khiến hoa phát triển chậm lại. Tại vùng trồng hoa lay ơn Hiệp An, huyện Đức Trọng, năm nay người dân xuống giống khoảng 160ha, dù vậy đến thời điểm hiện tại không khí vẫn trầm lắng do thương lái các nơi chưa chốt đơn hàng và hoa đủ tuổi thu hoạch ít. Ông Phan Văn Công cho biết: “Gia đình tôi trồng hơn 25.000 củ lay ơn kỳ vọng sẽ thu hoạch trước tết nhưng do trời mưa, thời tiết lạnh, không đủ ấm nên cây ra hoa trễ. Hiện nay, giá lay ơn thu tại nhà vườn cao hơn hẳn cùng thời điểm các năm trước, từ 32.000-42.000 đồng/bình (10 cành) màu đỏ Pháp, 45.000-50.000 đồng/1 bình màu đỏ mới nhưng không có để bán”.
Các nhà vườn trồng hoa cúc cũng đang ngồi trên “lửa” vì thời tiết mưa lạnh. Ông Trần Văn Cương (phường 7, TP Đà Lạt) cho biết: “Gia đình trồng hơn 3 công (3.000m2) cúc nhưng đến giờ bông mới chớm nở. Nguyên nhân do mưa mù kéo dài nên cây không có đủ ánh sáng mặt trời để hấp thụ dưỡng chất, chúng tôi tăng công suất bật đèn, lau giàn nhà ni lông nhưng cũng không thể nào cứu vãn được tình hình. Với bông bị trễ dự kiến sẽ nở vào mùng 3, mùng 4 tết, thời điểm này thì bông sẽ rất rẻ và không được nhiều người mua”.