Tỉnh Kon Tum hiện phát triển được khoảng 600ha sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích của các doanh nghiệp đạt trên 570ha. Sâm Ngọc Linh bắt đầu ra quả và cho thu hoạch khoảng tháng 4 đến tháng 8. Đây cũng là mùa mà người trồng sâm dồn sức lực để bảo vệ hạt giống.
Tiếp tục di chuyển vào sâu, vườn sâm của các công ty và người dân dần hiện ra. Những luống sâm Ngọc Linh to, nhỏ mọc chi chít, chùm quả đung đưa trong gió. Đang giăng lưới sắt để bảo vệ hạt giống, anh Lin (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) góp chuyện: “Quả sâm Ngọc Linh là món ăn yêu thích của chuột. Cứ đến mùa đậu quả, từng đàn chuột ở các nơi lũ lượt kéo về ăn. Vườn sâm ở rừng sâu nên không phải lúc nào bà con cũng ngăn chuột được. Vì thế chỉ còn cách làm lưới sắt để bọc chùm quả lại. Với cách này, chuột có cắn thì quả vẫn nằm lại trong lưới, không bị chuột tha đi, hạt sâm được bảo vệ tuyệt đối”.
Theo A Sanh, phương cách bảo vệ hạt giống sâm Ngọc Linh bằng cách giăng lưới và làm lưới sắt nói trên được người dân học hỏi từ Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum. 7 năm trước, khi công ty về địa bàn trồng sâm và tuyển công nhân vào làm việc. A Sanh đăng ký làm thuê được 6 năm. Ngoài lương, hàng năm họ tặng cho công nhân mỗi người 100 cây con 1 năm tuổi. Ngoài ra, họ còn hướng dẫn kỹ thuật trồng và bảo vệ hạt giống khỏi thiên tai và loài chuột. A Sanh rất kỳ vọng bảo vệ thành công hạt giống sâm, như vậy vài ba năm nữa vườn sẽ có giống để trồng, đời sống sẽ đổi thay.
Ông Nguyễn Đình Hùng, đại diện Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết, để phát triển sâm Ngọc Linh, đơn vị đã hợp đồng lao động với khoảng 300 đồng bào ở các xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông). Việc tặng sâm giống, hướng dẫn kỹ thuật nhằm mục đích giúp bà con phát triển vườn sâm của riêng mình, qua đó giúp họ có nguồn thu để cuộc sống khấm khá hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, Vương Văn Mười khẳng định, huyện xác định cây sâm Ngọc Linh là cây trồng chủ lực giúp dân thoát nghèo nên rất chú trọng việc hướng dẫn bà con chăm sóc, gieo trồng đúng cách. Cán bộ nông nghiệp xuống tận nơi khuyến cáo bà con khi thu hoạch quả sâm phải đảm bảo độ chín tới, tránh thu hoạch quả lúc còn non, đồng thời còn hướng dẫn kỹ thuật bảo quản hạt, cách ươm hạt để tăng tỷ lệ nảy mầm. Trước kia, khi bà con gieo ươm tự do thì tỷ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 60%-70%, sau khi áp dụng kỹ thuật hướng dẫn thì tỷ lệ đã tăng đến trên 80%, thậm chí nhiều vườn đạt tỷ lệ 90%-95%. “Ngoài ra, để bà con có thêm giống, huyện còn kêu gọi, khuyến khích các công ty sâm trên địa bàn hỗ trợ giống thuần chủng giúp bà con tự tạo được vườn sâm cho riêng mình”, ông Vương Văn Mười cho biết.