Giá trị của các loại vật phẩm ảo, đơn vị ảo này là rất lớn, có thể đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác), mà không nhắc đến loại vật phẩm ảo, đơn vị ảo. Khoản 4, Điều 7 Thông tư 24/2014 của Bộ TT-TT cũng quy định rõ vật phẩm ảo, đơn vị ảo không phải là một loại tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng, hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử. Cũng theo Thông tư 24, hoạt động mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo giữa những người chơi với nhau hoàn toàn bị cấm.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử) sẽ có hiệu lực từ ngày 15-4-2020. Điều 106 nghị định này quy định: Nếu người chơi có hành vi mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, hoặc điểm thưởng thì sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng. Điều 104 cũng quy định: Khi có hành vi quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo thành tiền, hoặc thẻ thanh toán, phiếu thưởng, các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào, đơn vị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử có thể bị phạt tiền từ 170 triệu đến 200 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, hoặc giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng từ 22 tháng đến 24 tháng.
Vì vậy, người chơi cũng như đơn vị cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cần chú ý tuân thủ quy định của pháp luật về việc không thực hiện mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, không thực hiện quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng... để tránh bị phạt.