Dần làm chủ thương vụ M&A
Năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam còn 3,5 tỷ USD, giảm khoảng 48% so với năm trước đó. Năm 2021, thị trường này tiếp tục gặp khó khi Việt Nam bị đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp Việt với chiến lược M&A đúng đắn đã lớn mạnh và trở thành bên mua trong nhiều thương vụ lớn. Chẳng hạn, trong tháng 9-2021, Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh hệ thống siêu thị Emart của Hàn Quốc. Ngoài ra, trên thị trường bất động sản cũng ghi nhận không ít thương vụ M&A về mở rộng quỹ đất và góp vốn doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2021.
Tại Diễn đàn M&A vừa được tổ chức trực tuyến mới đây ở 2 đầu cầu TPHCM và Hà Nội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, bức tranh tổng thể của thị trường M&A trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có những gam màu sáng. Trong đó, nổi bật nhất là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội với vai trò bên mua, trong khi trước đó, đây là sân chơi chủ yếu của các doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Hiếu cho biết, theo thống kê, năm 2018, trong các thương vụ M&A, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chỉ chiếm khoảng 11,8% tổng giá trị toàn thị trường; đến giai đoạn 2019-2020 tăng lên 30% và trong quý 1-2021 lên 49%, chứng tỏ cán cân này đã dần cân bằng. Đây là dấu ấn quan trọng cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp nội trong các thương vụ M&A thời gian qua.
“Đã từng có nhiều ý kiến lo ngại doanh nghiệp nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt trong các thương vụ M&A và đặt vấn đề, liệu nên có các chính sách hạn chế việc này, thì nay không còn lo ngại nữa”, ông Hiếu cho hay. Bên cạnh đó, trong thời kỳ dịch bệnh, xu hướng M&A cũng dần được chuyển từ tính chất thôn tính sang hợp tác liên kết hình thành chuỗi. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập (tức triệt tiêu một bên), hơn 80% là mua lại cổ phần để kiểm soát và 9% là liên doanh.
Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Quỹ Dragon Capital Vietnam cho biết, 18 tháng qua, chúng tôi làm được nhiều thương vụ M&A hơn so với lúc chưa có dịch, trong đó có nhiều thương vụ chốt qua hình thức trực tuyến. Đã có hơn 10 thương vụ được trao tay, với tỷ lệ bán cổ phần trên 10% cho đối tác. Đáng nói, việc có nhiều thương vụ M&A thành công trong bối cảnh dịch bệnh không phải là thôn tính với giá rẻ mà là các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tiếp sức cho nhau, để tăng sức mạnh. Các thương vụ M&A không chỉ giữa doanh nghiệp Việt với nhau, nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt, mà còn có cả xu hướng doanh nghiệp Việt mua lại doanh nghiệp nước ngoài.
Tái cấu trúc hoạt động
Đánh giá thị trường M&A trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam - chuyên tư vấn về tài chính, nhận định, sắp tới các nhà đầu tư sẽ chuẩn bị nhân lực, nguồn tiền để “đón” làn sóng M&A mới, bởi đây là một trong những kênh đầu tư tốt. “Hoạt động M&A năm 2022 sẽ sôi động và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với năm 2021”, ông Ái nhận định.
Cùng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu dự đoán, giá trị các thương vụ năm 2021 sẽ khoảng 4,5-5 tỷ USD và năm 2022 có thể đạt 7 tỷ USD. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp vẫn sẽ là tâm điểm thu hút các thương vụ M&A. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm và giáo dục cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và trong các năm tới.
Để phục hồi, phát triển sau dịch, theo nhiều chuyên gia, ngoài việc bản thân các doanh nghiệp tự nỗ lực, tăng cường liên kết hợp tác thì cũng cần nắm bắt cơ hội đến từ lĩnh vực M&A. Để xây dựng lại chiến lược, chuyển đổi - đổi mới mô hình kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới do xuất hiện nhu cầu kinh doanh mới…, thì chọn giải pháp M&A là cách nhanh nhất.
Đặc biệt, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, M&A là cơ hội giúp các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh nhanh, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Đây không phải là chuyện đi thu gom tài sản để lớn lên, mà là tạo ra được sự liên kết mới.
“M&A không chỉ là cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp mà nếu có cơ chế chính sách hỗ trợ kịp thời, còn là cơ hội thay đổi chân dung doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, đẩy mạnh M&A lúc này còn là để kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch, đồng thời tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến… thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A trong thời gian tới”, ông Thiên nói.
Ngày 28-10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF). SMBCCF là một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn. Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4-2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. FE Credit sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác. |