Mua bán thuốc qua mạng: Tiện nhưng khó lường hậu quả

Ngày 20 và 22-6, Báo SGGP đăng tải bài viết của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc bán thuốc qua mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, việc mua thuốc qua các website, sàn thương mại điện tử mà không cần có đơn thuốc hay chỉ định của bác sĩ rất phổ biến và để lại hậu quả khó lường.

Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 1, TPHCM
Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận 1, TPHCM

Mua bán tràn lan

Phát hiện mắc bệnh gút trong một lần khám sức khỏe định kỳ, nhưng anh H.M.K. (38 tuổi, ngụ TPHCM) không chủ động điều trị cũng như duy trì chế độ ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ khiến bệnh diễn tiến nặng. Xem trên mạng xã hội, anh K. thấy quảng cáo giới thiệu bài thuốc chữa được bệnh của mình chỉ trong thời gian ngắn, nên đã liên hệ tìm mua với giá hơn 4 triệu đồng. Sau một thời gian sử dụng, anh thường xuyên bị các cơn đau, nóng và sưng tấy khớp bàn chân. Anh đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám và được các bác sĩ cho biết bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng do nhiều khớp bị biến dạng, kèm theo biến chứng của việc lạm dụng thuốc có chứa corticoids, dẫn đến việc điều trị rất phức tạp, mất nhiều thời gian.

Còn chị L.T.T. (26 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy, Hà Nội) tới Bệnh viện Da liễu Trung ương khám trong tình trạng khuôn mặt sưng húp, lở loét với mụn đỏ chi chít. Chị T. cho biết bị mụn trứng cá, điều trị nhiều nơi cũng không hết. Sau khi xem trên Facebook, thấy một hội nhóm bán hàng giới thiệu về loại thuốc bôi đặc hiệu trị mụn trứng cá của Pháp với lời quảng cáo “hoàn trả lại tiền nếu sau 1 tháng sử dụng không hết mụn”, chị T. tin tưởng mua về dùng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng chưa đầy 2 tuần, mụn trứng cá không giảm mà khuôn mặt chị còn bị sưng tấy, dị ứng, đau rát.

Theo PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh viện từng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bị dị ứng rất nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do tự ý mua, sử dụng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng. Đáng lo ngại là không ít đối tượng sử dụng hình ảnh mạo danh bác sĩ, chuyên gia của bệnh viện hay những đoạn hình ảnh về hội nghị da liễu do bệnh viện tổ chức, sau đó chèn video quảng cáo thuốc của mình vào nhằm tạo lòng tin đối với người bệnh để bán thuốc, tư vấn khám, chữa bệnh. Điều này dẫn đến việc người bán không chỉ tư vấn sai về chuyên môn, bán thuốc trá hình mà nhiều khi còn làm người bệnh bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất, khiến bệnh càng nặng thêm.

Hiện nay, chỉ cần vài lần nhấp chuột với thao tác đơn giản, ai cũng có thể tìm ra những website, sàn thương mại điện tử với vô vàn quảng cáo hấp dẫn về buôn bán, cung cấp nhiều loại thuốc chữa bệnh - từ các loại thuốc điều trị bệnh thông thường đến các loại thuốc đặc trị bệnh lý phức tạp như tim mạch, thần kinh, tiểu đường, ung thư… Nhiều hội, nhóm chợ thuốc còn công khai rao bán các loại thuốc mà theo quy định bắt buộc phải có kê đơn từ bác sĩ. Việc mua thuốc trên mạng trở nên dễ dàng khi chỉ cần lựa chọn sản phẩm vào giỏ hàng, điền thông tin đặt hàng hoặc gọi điện đến số điện thoại hướng dẫn sẽ được tư vấn miễn phí và giao hàng tận nơi. Không chỉ vậy, nhiều trang cá nhân trên Zalo và Facebook cũng quảng cáo, rao bán tràn lan nhiều loại thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng. Thậm chí, nhiều người còn thường xuyên livestream để tư vấn và bán thuốc chữa bệnh, nhất là những loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là “hàng xách tay” của các nước châu Âu, Nhật, Mỹ hoặc thuốc gia truyền. Trong khi thực tế, phần lớn các cá nhân tham gia vào việc bán thuốc qua mạng có rất ít kinh nghiệm, thậm chí là không có kiến thức chuyên môn nào về ngành dược hay khám chữa bệnh.

Khó kiểm soát chất lượng

Theo quy định của Luật Dược năm 2016, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử, hiện nay việc mua bán thuốc trực tuyến đang rất phát triển, đồng thời tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Cùng với đó, nhiều người vẫn có tâm lý ngại đi khám hoặc tái khám khi có vấn đề về sức khỏe nên tận dụng sự tiện lợi của công nghệ, mạng xã hội để tự tìm hiểu về triệu chứng sức khỏe của bản thân, tự tìm kiếm trên mạng những loại thuốc mà mình đã được bác sĩ chỉ định từ lâu hoặc tự mua theo sự mách bảo của người khác.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hiệp hội Dược TPHCM, nêu ý kiến, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, ngay cả đối với những loại thuốc không kê đơn thì khi sử dụng cũng cần phải có sự hướng dẫn chuyên môn của cán bộ y tế; nếu người bệnh lạm dụng hoặc sử dụng quá liều sẽ gây các tác hại không tốt. “Theo thống kê trong báo cáo Healthcare eCommerce Global Market Report in 2024 được xuất bản bởi The Global Business Research Company, thì tại các nước đang phát triển, 75%-80% thuốc phân phối qua mạng là thuốc kém chất lượng và thuốc giả. Đây là vấn đề đau đầu nhất của các cơ quan quản lý dược. Việc thực hiện giao dịch qua sàn thương mại điện tử trong kinh doanh dược phẩm sẽ “thả nổi” lĩnh vực quản lý này, vì đặc điểm của các sàn thương mại điện tử là hoạt động 24/7 và các cơ quan quản lý không thể quản lý được”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, để bảo vệ an toàn sức khỏe, người dân nên mua thuốc tại các địa chỉ tin cậy, tuyệt đối không mua thuốc xách tay, thuốc rao bán trên mạng được quảng cáo sản xuất tại các quốc gia phát triển, vì phần lớn các loại thuốc này không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có nguy cơ cao là thuốc giả. Ngoài ra, đối với mỗi người bệnh, bác sĩ cần nắm được thông tin và các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng mới có hướng điều trị thể hiện bằng đơn thuốc. Đơn thuốc cũng chính là “chất xám” và trách nhiệm của bác sĩ đối với người bệnh. Người dân tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc theo lời mách bảo và không mua thuốc qua mạng để tránh “tiền mất, tật mang”.

Tin cùng chuyên mục