Công khai trên mạng
Chị Nguyễn Thị Thúy Vy (42 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) cho biết: “Tôi thường xuyên nhận được các tin nhắn mời làm các loại bằng, giấy phép lái xe, bằng đại học, chứng chỉ Anh văn”. Từ thông tin chị Vy cung cấp, ngày 1-12, chúng tôi liên lạc với ông T.N. (ngụ TPHCM), đối tượng bán bằng giả, đặt vấn đề mua bằng cử nhân ngoại ngữ. Ông T.N. cho biết, bằng đại học giá 4,5 triệu đồng, chứng chỉ Anh văn giá 1,5 triệu đồng, giấy phép lái xe 1,6 triệu đồng...
“Các loại bằng và chứng chỉ bên anh làm giống đến 99% bằng thật, từ dấu dập nổi đến các nét mực in rất sắc nét; làm cấp tốc chỉ khoảng nửa ngày là có ngay, nhưng chi phí sẽ cao hơn”, T.N. khẳng định.
Lướt qua các trang web hoặc một số địa chỉ Facebook cũng thấy rao cung cấp đủ các loại bằng. Một địa chỉ Facebook khẳng định bằng là phôi thật 100% và không thể phát hiện! Sau khi gửi thông tin cá nhân, khách phải đặt cọc trước, sau đó sẽ có xe ôm công nghệ mang tới, lấy nốt phần còn lại. Với hình thức này, các đầu nậu, đường dây làm bằng cấp giả cảnh giác cơ quan công an.
Đáng báo động, bằng cấp giả hiện nay không chỉ được mua bán công khai mà đối tượng dùng bằng giả đã sử dụng để thi tuyển, xin việc làm, nâng ngạch lương... Ông Trần Quốc Cảnh, công chứng viên, Văn phòng công chứng Mai Việt Cường (quận 10, TPHCM), nguyên giám định viên Viện Khoa học hình sự, cho biết: “Văn phòng đã phát hiện rất nhiều bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả, từ bằng tốt nghiệp cấp 3, cao đẳng, đại học đến chứng minh nhân dân. Trong số đó có những bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngành y tế”.
Ông Trần Quốc Cảnh nhìn nhận, giấy tờ giả được sản xuất, mua bán dễ dàng do khả năng làm giả hết sức tinh vi. “Như ở Trường Đại học Đông Đô, phôi bằng thật, con người thật nhưng chỉ là bằng giả vì người được cấp bằng không học. Còn trên thị trường đen, đối tượng làm bằng giả đầu tư công nghệ in ấn hiện đại, nên các loại bằng cấp, giấy tờ giả giống y như thật”, ông Cảnh cho biết.
Cần truy tố cả người dùng bằng giả
Qua thực tế công chứng giấy tờ, bằng cấp hàng ngày, nhiều công chứng viên thừa nhận giấy tờ, tài liệu được làm giả rất tinh vi, có đủ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy, giống đến 99%. “Nếu nhìn bằng mắt thường thì khó có thể phân biệt thật - giả, việc phát hiện giấy tờ giả phần nhiều phải dựa vào phương tiện hỗ trợ, kết hợp kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của công chứng viên. Khi bị phát hiện giả mạo, nhiều người thường tìm cách né tránh”, một công chứng viên Phòng Công chứng Mai Việt Cường cho biết.
Không chỉ đối tượng, đường dây làm bằng cấp giả tinh vi mà ngay cả đối tượng mua, sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả cũng rất cảnh giác. Việc xử lý hành vi, đối tượng sử dụng bằng cấp giả lâu nay chưa nghiêm khiến tình trạng này khó dứt điểm. Theo luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM), nguyên cán bộ giảng dạy Trường Đại học Luật TPHCM, văn bản quy phạm pháp luật cũng như biện pháp chế tài đối với hành vi sử dụng bằng cấp giả đã có nhưng thực hiện chưa nghiêm. Khoản 4, Điều 17 Nghị định 79/2015 quy định “Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng giả... mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017, tại Điều 341 quy định “Người nào sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức án phạt cao nhất đến 7 năm tù”.
“Số tiền phạt và mức án dành cho đối tượng sử dụng bằng giả là khá nặng, nhưng việc thực thi chưa nghiêm. Thời gian qua, hầu hết án tù mới áp dụng cho đối tượng sản xuất, mua bán bằng giả, còn đối tượng sử dụng vẫn chưa bị xử lý”, luật sư Lê Đức Thọ nhấn mạnh.
Dù với bất cứ lý do, mục đích nào, hành vi sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả đều là vi phạm pháp luật. Cơ quan bảo vệ pháp luật cần có biện pháp truy tố, xử lý hình sự các đối tượng sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả.