Thị trường hấp dẫn
Trong danh sách Tốp 10/50 thương vụ M&A tiêu biểu trong giai đoạn 2021-2022 vừa được Diễn đàn M&A 2022 công bố, có 2 thương vụ thuộc về lĩnh vực tài chính. Đứng đầu là thương vụ Ngân hàng UOB (Singapore) mua lại toàn bộ mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam.
Giá trị thương vụ không được công bố, nhưng sự kiện này là một phần trong thương vụ trị giá 3,7 tỷ USD mà Citigroup bán lại toàn bộ mảng bán lẻ tại 4 nước Đông Nam Á cho UOB. Tiếp đó là thương vụ Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản) mua 49% cổ phần FE Credit với giá trị giao dịch 1,4 tỷ USD.
Ngoài ra, các thương vụ M&A khác trong lĩnh vực tài chính tuy không “nổi đình nổi đám” nhưng cũng khá sôi động, hứa hẹn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới vì không ít công ty tài chính tại Việt Nam được đánh giá là “gà đẻ trứng vàng”, đóng góp lợi nhuận lớn cho các ngân hàng mẹ.
Cụ thể, thương vụ M&A được kỳ vọng nhất là VPBank bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài đang trong quá trình đàm phán rất tích cực. Nếu không có gì thay đổi, MSB cũng sẽ chuyển nhượng một phần hoặc 100% vốn Công ty Tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM) cho các đối tác nước ngoài. Công ty tài chính HAFIC cũng đang nằm trong tầm ngắm của một loạt định chế tài chính nước ngoài, dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động.
Các chuyên gia lĩnh vực M&A nhận định, kinh tế toàn cầu đang có những diễn biến khó đoán định khiến các nhà đầu tư ngại rót vốn đầu tư mới, nhất là vốn đầu tư từ các nước phát triển đổ vào các thị trường mới nổi. Thế nhưng, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn được giới chuyên gia đánh giá hấp dẫn do nhu cầu tín dụng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và mảng bán lẻ vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam, cho biết, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là điểm sáng kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng GDP được dự báo đạt từ 7,5%-8% trong năm 2022, và năm 2023 có thể đạt mức 6,5%. Đây là dự báo tương đối lạc quan và tạo cơ hội cho thị trường M&A trong nước thời gian tới. Đặc biệt, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ xuất hiện các thương vụ “bom tấn” nếu kế hoạch nới hạn mức tín dụng nhà đầu tư nước ngoài được kích hoạt.
Theo ông Nguyễn Công Ái, cơ sở cho sự kỳ vọng này là các động thái VPBank muốn bán 15% cổ phần cho đối tác nước ngoài với giá trị hơn 79.000 tỷ đồng; Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn, thu về gần 30.000 tỷ đồng nếu thành công... Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như VietCapital Bank, NamABank, Techcombank...
Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém
Theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ, ngoài phương án xây dựng và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo hướng tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, một trong những phương án khác được Chính phủ khuyến khích là tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.
Đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02/2022, trong đó có đề cập đến vai trò của các phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng của các ngân hàng; đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu đối với các “ngân hàng 0 đồng” và các ngân hàng yếu kém.
Việc Chính phủ và NHNN “bật đèn xanh” như vậy đã góp phần thúc đẩy nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các thương vụ M&A ngành tài chính ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, hiện nhiều ngân hàng thương mại tại Việt Nam có tiềm lực mạnh cũng đang rất quan tâm đến việc tham gia nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém để thực hiện tái cơ cấu trong giai đoạn tới theo chủ trương của Nhà nước. Mặc dù đến nay chưa có thương vụ nào được chính thức công bố, nhưng nhiều động thái từ NHNN đến các ngân hàng thương mại đã lộ diện dần các thương vụ trong thời gian tới.
Cụ thể, MB và Công ty Bảo hiểm MB Ageas Life trong năm 2022 đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Ocean Bank, từ đó thị trường có thông tin MB sẽ hợp tác gắn kết với Ocean Bank. Tương tự, Vietcombank cũng đã lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém vì ngân hàng này đã được NHNN giao cho Vietcombank hỗ trợ từ năm 2015.
HDBank đã lấy ý kiến cổ đông và được cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. VPBank cũng đã được Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng và nhiều khả năng sẽ tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém, vì tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm ban lãnh đạo ngân hàng này có sự tham gia của nhiều lãnh đạo VPBank.
Đáng lưu ý, hình thức M&A của các thương vụ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém khác với giai đoạn trước. Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty mẹ - con. Với sự tham gia của các ngân hàng giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu kém sẽ có cơ hội “thay da đổi thịt”. Còn các ngân hàng tham gia tái cơ cấu cũng được lợi - như được nới thêm hạn mức tín dụng, mở rộng mạng lưới…
Mặc dù các thương vụ M&A ngân hàng yếu kém mới chỉ ở giai đoạn đầu và nếu tác hợp thành công cũng phải cần một quá trình, cần nhiều năm để kết thúc quá trình chuyển giao. Tuy nhiên, với sự tham gia M&A của các ngân hàng lớn, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém sẽ được đẩy nhanh hơn, nhằm thực hiện thành công “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Theo ông Yoshizawa Toshiki - Ngân hàng Aozora (Nhật Bản), hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp ngân hàng quốc doanh; tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thiếu vốn, không đạt chuẩn. Đây chính là cơ hội để các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư. Hiện nhiều ngân hàng cỡ trung và vừa của Nhật Bản đang tìm hiểu về thị trường tài chính, M&A tại Việt Nam. |