Hiện nay nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang chào mời khách hàng vay tín chấp với nhiều ưu đãi, hấp dẫn. Để vay tín chấp, người vay cần phải có bảng lương, hợp đồng lao động, giấy xác nhận đang làm việc tại các công ty và cơ quan nhà nước. Nắm bắt được nhu cầu vay tín chấp của những người không có việc làm và thu nhập ổn định, dịch vụ làm giả các hồ sơ này ra đời, với những lời mời chào hấp dẫn, công khai rao trên mạng.
Từ thông tin bạn đọc cung cấp qua đường dây nóng, phóng viên liên hệ qua điện thoại với một người tên H. để thử đặt hàng làm giả hồ sơ có thể dùng đi vay tín chấp.
Anh này tự xưng mình là nhân viên công ty chuyên cung ứng dịch vụ làm hợp đồng lao động, và mời chào: “Nếu em có nhu cầu, bên anh sẽ làm cho em một bộ hồ sơ đẹp, có bảng lương, hợp đồng lao động, giấy xác nhận công tác, đầy đủ con dấu như mẫu chung của các cơ quan nhà nước. Làm trọn gói là 2 triệu đồng một bộ hồ sơ. Nếu em đồng ý làm thì gửi thông tin cần thiết, kèm địa điểm giao. Trong vòng 2 ngày là sẽ có đầy đủ cho em. Anh sẽ làm bảng lương với mức lương là 20 triệu đồng/tháng, để em có thể vay tín chấp với số tiền khoảng 200 triệu đồng”.
Khi chúng tôi hỏi tên công ty và địa chỉ ở đâu để đảm bảo uy tín, thì H. nói: “Việc này khá nhạy cảm, nên anh không thể cho địa chỉ cụ thể được. Em yên tâm, nếu em đồng ý thì khi làm hồ sơ xong anh giao tới tận nhà, hoặc tới quán cà phê, em xem ưng ý thì lúc đó anh mới nhận tiền”.
Dịch vụ làm giả bảng lương và hợp đồng lao động thực chất là một chiêu trò lừa đảo nhằm trục lợi bất chính. Trên thực tế, để kiểm tra và phát hiện các hồ sơ giả không phải điều quá khó với các ngân hàng, bởi chỉ cần kiểm tra sơ qua về địa chỉ và xác minh hồ sơ tại công ty đó là có kết quả.
Chị Bùi Anh, nhân viên một ngân hàng tại TPHCM, khuyến cáo: “Người có nhu cầu vay tín chấp không nên tin và đặt làm hợp đồng lao động, bảng lương giả mạo. Bởi đó chỉ là điều kiện cần đầu tiên để vay tín chấp; tiếp đó còn phải trải qua bước thẩm định, duyệt hồ sơ, xác minh rất chặt chẽ. Hồ sơ giả không thể qua mắt được các nhân viên ngân hàng, thời gian qua đã có rất nhiều người làm hồ sơ vay tín chấp bị từ chối vì phát hiện hồ sơ không trung thực. Ngoài việc không vay được vốn, người mua các hồ sơ giả sẽ mất luôn phí dịch vụ làm hồ sơ giả. Đây là hành vi phạm pháp, nên còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Vay tiền ngân hàng dù bằng bất cứ hình thức nào thì người vay cũng phải trả nợ, không thể quỵt được”.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi khai không đúng thông tin, làm giả giấy tờ và sử dụng con dấu của cơ quan để làm giả hồ sơ với mục đích vay vốn ngân hàng bị xếp vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người bán/cung cấp hợp đồng lao động giả bị xử lý hình sự về tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm; có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm, tùy vào mức độ vi phạm.