Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mua bán bộ phận cơ thể người thời gian qua diễn biến phức tạp hơn.
"Nuôi dưỡng" nạn nhân, đưa ra nước ngoài để bán nội tạng
Liên quan đến nội dung này, ngày 8-2, Thượng tá Đinh Văn Trình (Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, hiện nay nhu cầu được ghép mô, bộ phận cơ thể người để điều trị ở Việt Nam rất lớn và ngày một gia tăng, kỹ thuật cấy ghép và nguồn cung cấp mô, bộ phận cơ thể người không đáp ứng được nhu cầu.
Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh triệt phá nhiều đường dây tổ chức mua bán mô, bộ phận cơ thể người.
Ảnh minh họa |
Cục Cảnh sát hình sự đã triệt phá băng nhóm tội phạm chuyên môi giới mua bán bộ phận cơ thể người (thận) sang Campuchia do đối tượng Tôn Nữ Thị Huyền và đồng bọn thực hiện. Đây là đường dây mua bán bộ phận cơ thể người (thận) từ Việt Nam sang Campuchia bán cho đối tượng là người nước ngoài, thực hiện tại TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, xuyên quốc gia, lợi dụng những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, để thỏa thuận, môi giới việc bán thận, sau khi tìm được người bán thận thì tổ chức cho họ sang Campuchia bán.
Các đối tượng trong đường dây có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, có sự phân công vai trò cụ thể, từ đối tượng tìm kiếm người bán thận trên mạng internet, thỏa thuận và đưa nạn nhân đi xét nghiệm tại bệnh viện để xác định việc trùng khớp chỉ số HLA, đối tượng "nuôi dưỡng" nạn nhân, đưa nạn nhân qua Campuchia và đưa về Việt Nam sau khi đã bán thận.
Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cũng điều tra làm rõ vụ mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người xảy ra tại quận Hà Đông. Đồng thời, đã khởi tố 4 đối tượng; đồng thời cũng đã làm rõ 3 vụ môi giới mua bán thận của các đối tượng trên trong khoảng thời gian từ 5-2021 đến 10-2021.
Ngoài nguyên nhân như trên đã đề cập, theo Thượng tá Trình, lợi nhuận thu được từ hoạt động phạm tội có thể rất lớn, bộ phận cơ thể người được đưa ra nước ngoài có thể có giá nhiều tỷ đồng, đây là một trong những yếu tố thúc đẩy động cơ phạm tội của đối tượng. Nhiều đối tượng có quan hệ với các nhân viên y tế có thẩm quyền để được lên lịch phẫu thuật nhanh, móc nối để xét duyệt hồ sơ nhanh gọn, che giấu đi yếu tố thương mại…
Bên cạnh đó, người bán bộ phận cơ thể trong các vụ án luôn che giấu không để cơ quan chức năng phát hiện; nhiều bị hại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, quẫn bách do tham gia vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, đang nợ nần với lãi suất cao không có khả năng chi trả; nhiều bị hại có nhận thức hạn chế, cho rằng việc bán bộ phận cơ thể như vậy không quá ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của bản thân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những người bán thận trong các vụ án đã triệt phá, giám định họ đều bị tổn hại từ ít nhất 45-69% sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trong quá trình xét nghiệm và phẫu thuật.
Thủ đoạn tinh vi
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự cho hay, các đối tượng hoạt động chủ yếu thông qua các hội, nhóm kín trên mạng xã hội hoặc qua giao dịch trực tiếp với những người có nhu cầu mua (ghép) mô.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tiếp cận người có nhu cầu mua (ghép) bộ phận cơ thể tại các bệnh viện hoặc thông qua mạng xã hội tìm kiếm người mua, người bán (dưới hình thức cho, hiến tặng), ra giá và thu tiền của người bệnh với giá cao, hứa hẹn trả cho người bán giá thấp để trục lợi, hợp thức hóa bằng việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để đưa người mua, người bán vào các bệnh viện phẫu thuật ghép tạng.
Nhiều đối tượng hoạt động phạm tội trước đây đã từng là nạn nhân của loại tội phạm này nên biết được nhu cầu và lợi nhuận cao nên đã câu kết, móc nối với các đối tượng khác hình thành đường dây hoạt động phạm tội.
Đối tượng phạm tội ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng; hoạt động theo băng, ổ nhóm, mỗi đối tượng có nhiệm vụ khác nhau như tiếp cận, làm quen với bên mua và bên bán; xét nghiệm, thỏa thuận giá cả; làm giả giấy tờ… nhằm che giấu mục đích thương mại dưới các lý do nhân đạo, phi lợi nhuận ẩn dưới kinh phí hỗ trợ thuốc men, điều trị tự phục hồi sức khỏe.
Đặc biệt, giai đoạn hiện nay các đối tượng lợi dụng các diễn đàn, mạng xã hội đã nhanh chóng tiếp cận được người có nhu cầu mua và người bán một cách bí mật. Đối tượng chủ mưu, cầm đầu không trực tiếp tham gia tiếp cận bị hại, người mua mà qua hệ thống “chân rết” để tiếp cận, hướng dẫn, yêu cầu gia đình bị hại viết giấy tờ, đơn xin được hiến bộ phận cơ thể.
Các đối tượng chủ yếu nhắm đến những bộ phận cơ thể người như: thận, gan, võng mạc… trong đó, thận là phổ biến nhất với thủ đoạn: tập trung tại các bệnh viện trên địa bàn các thành phố lớn tiếp cận, làm quen với những người mắc bệnh thận, suy thận cần phải có thận để ghép; nhiều người suy thận độ cao có nguy cơ tử vong, họ sẵn sàng trả tiền khoảng 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo chi phí xét nghiệm và thỏa thuận với người bán.
Nhiều đối tượng còn lập hội, nhóm mua bán thận, ghép thận trên các trang mạng xã hội để tập hợp những người có nhu cầu bán thận và tổ chức nuôi tại các khu nhà trọ, nhà thuê để chờ bán thận. Với mỗi trường hợp môi giới, tổ chức mua bán thành công, các đối tượng hưởng lợi từ 150 - 250 triệu đồng.
Tính đến 31-12-2022, cả nước có hơn 63.000 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với hơn 7.200 ca ghép tạng. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người, tiếp đó là ghép gan, tim, phổi, thận, tụy, ruột.
“Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng và đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành Y tế Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại”, GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người.
Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của người dân. Bên cạnh đó, hiện nay thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn, ước tính có hàng chục ngàn người cần ghép thận, ghép gan; hàng ngàn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Trong khi đó, nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.