Một vòng di sản

Nhịp sống TPHCM năng động qua từng ngày, trong lòng đô thị trẻ tấp nập những xu hướng hiện đại nhưng vẫn còn đó miền ký ức, kể chuyện bản sắc thị thành.
Khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Chạm tay vào ký ức

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn nằm ở tầng 2 của một căn nhà xây dựng năm 1963, tại địa chỉ 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1. Ngôi nhà ban đầu là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai, năm 2015, ông được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân).

Chiếc xe đạp hiệu Solex của Pháp, sản xuất vào thập niên 1950, được “Cô Ba biệt động” - nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (ngụ huyện Củ Chi) tặng lại cho bảo tàng nằm trang trọng ở một góc nhà. Chiếc xe là kỷ vật của nữ cán bộ Biệt động thành, từng dùng để đưa thông tin, tài liệu cho lực lượng kháng chiến trong năm tháng hào hùng, khốc liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Kỷ vật được trưng bày cẩn thận, nhưng không đóng khung kính hay rào chắn, khách tham quan có thể chạm tay vào để tìm hiểu và cảm nhận rõ hơn lớp ký ức của một thời hoa lửa. Võ Thị Thùy Dung (20 tuổi, ngụ quận 1) chia sẻ: “Bảo tàng này chỉ có kỷ vật và những câu chuyện lịch sử về hoạt động của các cô chú Biệt động Sài Gòn ngày xưa, nhưng tôi và nhóm bạn rất thích đến đây, không gian trưng bày rất gần gũi. Đến và tìm hiểu những câu chuyện lịch sử ở đây, chúng tôi thấy càng yêu thêm thành phố mình và có nhiều điều để tự hào”.

Tiếp nối truyền thống gia đình cùng niềm tự hào về một thời sống, chiến đấu của thế hệ trước qua lời kể của bà nội và ba mình, Trần Trọng Nghĩa (cháu nội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) đề xuất cùng gia đình mở chuỗi cà phê tại các di tích của Biệt động Sài Gòn, với nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến các di tích, để du khách vừa tham quan nghiên cứu học tập, vừa thưởng thức phong vị ẩm thực Sài Gòn xưa.

Vậy là chuỗi cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại các di tích Biệt động thành một thời như: Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và Hầm nổi của lực lượng Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, quận 1), Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968 (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (145 Trần Quang Khải, quận 1)… đều được anh Trọng Nghĩa chăm chút cẩn thận, đưa vào đó những công nghệ, màn hình cảm ứng trình chiếu và thuyết minh về các hiện vật lịch sử.

Còn đây di sản trăm năm…

Nơi thị thành nhộn nhịp, sôi động, những địa chỉ đỏ còn nguyên lớp ký ức hào hùng năm nào vẫn từng ngày được các thế hệ giữ gìn và tiếp nối; và TPHCM vẫn còn đó những công trình kiến trúc ghi dấu lịch sử qua các thời kỳ, những dòng sông uốn lượn hài hòa mang bản sắc của đô thị sông nước từ thuở hình thành.

Theo nghiên cứu từ các chuyên gia khảo cổ học đô thị, Sài Gòn - TPHCM có 4 đặc trưng cơ bản được ví như những ADN tạo nên bản sắc riêng cho đô thị này. Những đặc trưng đó là: đô thị sông nước, đô thị trung tâm kinh tế, đô thị đa dạng văn hóa và Sài Gòn - TPHCM là đô thị sớm được quy hoạch theo kiểu phương Tây.

TS Nguyễn Thị Hậu (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM) phân tích: “Một di tích quan trọng là “Xưởng thủy” được xây dựng từ thời chúa Nguyễn lập thành Gia Định, sau này chính là công xưởng Ba Son nổi tiếng. Đặc điểm cảnh quan khu vực trung tâm đô thị Sài Gòn dựa vào 2 yếu tố chủ yếu: đô thị sông nước (kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, kênh Tẻ, sông Bến Nghé, rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè…); đô thị kiểu phương Tây, các tuyến đường chính vuông góc hoặc song song với các kênh rạch quan trọng tạo thành ô bàn cờ, khu vực trung tâm từng ô phố có chức năng chủ yếu như hành chính, thương mại dịch vụ, cư trú…, đi cùng với đó là các kiểu kiến trúc phù hợp. Một số giao lộ ở khu vực trung tâm hoặc nơi giao cắt của nhiều tuyến đường chính tạo thành bùng binh - vòng tròn, vòng xoay - vừa có chức năng điều tiết giao thông vừa tạo cảnh quan (cây xanh, hoa, đài phun nước...) cho thành phố. Một số tuyến đường xưa nhất ở trung tâm thành phố điển hình của 2 yếu tố trên đã chứa đựng giá trị của di sản cảnh quan đô thị Sài Gòn”.

Theo danh sách di tích đã được xếp hạng tính đến tháng 10-2022, TPHCM có 185 di tích. Và trong số 71 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, có đến 7 di tích là các trường học, chủ yếu được người Pháp xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây, tập trung ở các khu vực quận 1, quận 3 và quận 5.

Nhắc đến ký ức hôm qua để nhắc nhớ người hôm nay về lịch sử hào hùng, để yêu hơn và trân trọng hơn phút giây bình yên, phát triển của thành phố hiện tại…

Tin cùng chuyên mục