Nhìn lại năm qua, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam có những chuyến công du nước ngoài quan trọng cả song phương và đa phương trong khi nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo các nước đã thăm chính thức Việt Nam.
Ở chiều “đi”, dấu ấn được ghi từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tới các chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đến nhiều nước, nhiều khu vực khác nhau.
Ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được mời thăm Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiếp đón một nhà lãnh đạo nước ngoài với nghi thức thăm chính thức sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Sự trọng thị dành cho người đứng đầu Đảng ta thể hiện sự tin cậy chính trị lẫn nhau; coi trọng mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam, của công tác Đối ngoại Đảng.
Từ ngày 21 đến 23-12-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Indonesia, theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo. Đây được xem là chuyến đi kết thúc một năm với rất nhiều hoạt động ngoại giao năng động và đầy hiệu quả của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nước ta.
Ở chiều “vào”, nhiều nhà lãnh đạo như Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng New Zealand Jacinda Arden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Singapore Halimah Yacob, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres… đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của họ sau dịch, hoặc sau khi nhậm chức, sau các sự kiện đặc biệt của cả hai bên.
Các chuyến thăm đều có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, có chuyến là hàng chục thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD, đem lại những cơ hội mới về thương mại, đầu tư chất lượng cao, đưa kinh tế Việt Nam phát triển với hàm lượng công nghệ, tri thức cao hơn… Nếu năm 2021 là năm của “ngoại giao vaccine” thì 2022 là thành công của “ngoại giao xanh”, “ngoại giao năng lượng”. Sau cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 ở Glasgow năm 2021 về đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, xem như hình mẫu về một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng đã tiên phong thực hiện các cam kết xanh để giữ cho ngôi nhà chung an toàn của nhân loại.
Ngày 14-12-2022, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) gồm Liên minh châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Thỏa thuận sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3-5 năm tới nhằm giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu: Cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Khi nguồn tài chính ngày càng khó khăn hơn, vẫn có hàng loạt cam kết viện trợ, đầu tư khác cho lĩnh vực chuyển dịch năng lượng của Việt Nam năm qua, cho thấy các nước tin tưởng và mong muốn đồng hành Việt Nam. Nổi bật như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Lego của Đan Mạch ở Bình Dương trị giá hơn 1 tỷ USD. Chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy đầu tư bền vững, Lego đã tạo cảm hứng cho hàng loạt nhà đầu tư Đan Mạch vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Đại sứ Đan Mạch Nikolai Prytz từng cho biết: “Việt Nam, về nhiều lý do, là một điểm đến thú vị với các nhà đầu tư Đan Mạch trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Có thể nói, nước ta cũng đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để phát triển; chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có tính chất nền tảng, như điện tử, công nghiệp vật liệu, hóa chất, dược phẩm, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo…
Với phương châm “Quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”, kinh tế năm 2022 của nước ta tiếp tục đà phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; trở thành một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Sau hơn 20 năm làm việc ở Việt Nam, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, luôn nhận thấy có những cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. Ông bày tỏ: “Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ lạc quan về triển vọng tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022 và xa hơn nữa. Việt Nam không chỉ là điểm đến hàng đầu của các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mà nền kinh tế trong nước cũng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ”. Một cuộc khảo sát khác của Tổ chức Thương mại hải ngoại Nhật Bản JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ ở Nhật Bản cho thấy, Việt Nam xếp thứ 2 trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” bên cạnh Hoa Kỳ.
Giữa sóng gió kinh tế chính trị thế giới, năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam cán mốc 700 tỷ USD, Việt Nam thuộc tốp 20 thế giới về quy mô thương mại. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả năm 2022 là khoảng 7,5-8,2%. Các tổ chức tín dụng quốc tế như Moody’s Investors, S&P Global Ratings đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm và triển vọng kinh tế lâu dài của Việt Nam.
Có thể khẳng định, các chuyến công du liên tục của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội là hoạt động thiết thực, hiệu quả triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, cụ thể là về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế”, “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, góp phần đưa “ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030” trong tình hình mới, qua đó định vị sâu sắc hình ảnh một Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đường lối ngoại giao được xây dựng dựa trên 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước, Đối ngoại Nhân dân của Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm, đánh giá rất cao từ cộng đồng quốc tế. Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam được triển khai trên khắp cả bình diện song phương và đa phương, từ ngoại giao Đảng, nhà nước, nghị viện, đến ngoại giao nước lớn, các nước láng giềng, các đối tác lớn hay bạn bè truyền thống từ khắp các châu lục… Tất cả đã củng cố môi trường hòa bình ổn định, làm vững chắc hơn lòng tin cho các đối tác, tạo ra những khuôn khổ lâu dài để phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong giai đoạn mới.