Thực tế kinh doanh qua mạng cực kỳ tiềm năng, nhưng cũng vô cùng rủi ro nếu người kinh doanh không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, cũng như các thông tin liên quan đến pháp lý.
Thông tin từ các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho biết, sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm là một trong những yếu tố quan trọng để kích cầu, giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Do vậy, các bạn trẻ mới bắt tay vào kinh doanh cần lưu ý nâng cấp ngôi nhà bán hàng của mình, đó là giao diện website (đơn giản nhưng ấn tượng). Thường xuyên theo dõi, cập nhật những phản hồi của khách hàng để hồi âm nhanh chóng, trách nhiệm.
Thêm nữa, phải chứng tỏ cho khách hàng thấy rằng, sản phẩm mình cung cấp là chất lượng, an toàn, đúng như cam kết ban đầu. Nên quan tâm, hỗ trợ khách thông qua các ứng dụng tương tác trên máy tính, điện thoại thông minh dành cho nhiều đối tượng người sử dụng (người lớn tuổi, thanh niên…). Thêm nữa, người bán cũng cần đưa ra những cảnh báo về độ bảo mật của một số phần mềm chạy trên hệ thống website…
Nhìn chung, các chuyên gia cũng cho rằng, những gợi ý nêu trên chỉ là một số lưu ý rất nhỏ giúp các bạn trẻ có bước đệm tốt hơn trong quá trình kinh doanh trực tuyến của mình. Còn trên thực tế, nếu muốn có được hệ thống kiến thức bài bản hơn, các bạn trẻ có thể tranh thủ học thêm một số khóa học kinh doanh kéo dài khoảng vài tháng tại một trường đại học chuyên về kinh tế, kinh doanh trên địa bàn TPHCM.
Ngoài ra, có một điều quan trọng mà các chuyên gia kinh tế lưu ý đến những doanh nhân trẻ tương lai, đó chính là cập nhật thêm các kiến thức pháp luật cơ bản. Chia sẻ về điều này, một giảng viên kiêm luật sư có tiếng đang công tác tại TPHCM cho biết, ông đã rất bất ngờ khi nhận được một vài câu hỏi khá ngây ngô của sinh viên đại học về việc có được phép bán hàng nhái, hàng giả trên mạng hay không; hoặc sinh viên muốn quảng cáo rằng sản phẩm rau củ quả nhà trồng rất an toàn, đạt chứng nhận hữu cơ (Organic), dù rằng chỉ đạt chuẩn nông sản sạch tại địa phương liệu có được hay không? Giải đáp câu hỏi trên của sinh viên, vị luật sư hỏi lại sinh viên rằng, mục đích của em là gì? Vì nếu có ý định kinh doanh và tiến hành làm theo đúng như những gì sinh viên vừa hỏi, cũng đồng nghĩa với việc đang lừa dối khách hàng.
Rõ ràng, trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt, trăm hoa đua nở như hiện nay, ngoài việc không ngừng cập nhật các ý tưởng kinh doanh mới mẻ, giữa chữ tín với khách hàng thì việc chủ động trau dồi thêm các kiến thức về pháp luật là điều cực kỳ cần thiết. Bài học thực tế về hàng loạt “cuộc chiến” của nhiều doanh nghiệp liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, phải nhờ đến các trung tâm trọng tài thương mại trong thời gian gần đây là một minh chứng rõ nét.
Làm kinh doanh cần am hiểu pháp luật. Đó chính là thông điệp của các chuyên gia muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang chập chững khởi nghiệp!