

(SGGP 12G).- Sau đúng 1 tuần mở rộng thủ đô, cho đến sáng nay, 6-8, theo ghi nhận của PV Báo SGGP 12 Giờ, mọi hoạt động ở TP Hà Nội “mới” vẫn còn rất ngổn ngang. Bởi vậy, việc giải quyết các thủ tục cho người dân gặp không ít khó khăn.
Chạy như đèn cù
Theo đúng thông tin đã công bố thì từ ngày 1-8, toàn bộ trụ sở của Sở GTVT Hà Nội đã chuyển về số 2 Phùng Hưng (Hà Đông). Nhưng cứ hỏi số 2 Phùng Hưng thì ngay cả người Hà Đông cũng không biết ở đâu! Sự thực, nó chính là trụ sở của UBND tỉnh Hà Tây cũ, nằm trước vườn hoa Hà Đông.
Nhưng trên thực tế, cho đến nay Sở GTVT tỉnh Hà Tây (cũ) - ở số 1 đường Quang Trung - vẫn chưa chuyển được về số 2 Phùng Hưng. Bởi thế mới khổ cho những người dân quá “nhạy cảm” với thông tin.
Anh Nguyễn Văn Tiễn, ngoài 40 tuổi, một lái xe khách đường dài ở thôn Vĩnh Thượng, xã Khai Thái (Phú Xuyên-Hà Nội) kể: “Tôi cứ tưởng Sở GTVT Hà Nội đã chuyển sang số 2 Phùng Hưng. Sang bên đó thì họ bảo ở đây hiện mới chỉ có bộ phận thuộc Sở GTVT Hà Nội cũ. Nếu đổi giấy phép lái xe ô tô thì phải tìm về Sở GTVT tỉnh Hà Tây (cũ)”.

Ngoài cổng là biển của Sở NN-PTNT Hà Nội nhưng bên trong vẫn là trụ sở của Sở Tài chính Hà Nội!
Cũng theo thông tin mà UBND TP Hà Nội đã cung cấp thì địa chỉ mới của Sở NN-PTNT Hà Nội đã chuyển về số 28 đường Tô Hiệu (Hà Đông). Nhưng trên thực tế, địa chỉ của Sở NN-PTNT Hà Nội (mới) là 38 đường Tô Hiệu. Bởi vậy, nhiều người dân quanh đi quẩn lại một hồi mới tìm được đúng địa chỉ.
Ngay ngoài cổng, tấm biển Sở Tài chính tỉnh Hà Tây đã được bóc đi để thay bằng tấm biển mới của Sở NN-PTNT TP Hà Nội, nhưng bên trong vẫn là cơ quan của Sở Tài chính đang làm việc. Ông bảo vệ của Sở Tài chính bảo: “Bây giờ tôi phải kiêm luôn bảo vệ cho cả Sở NN-PTNT và Sở Tài chính cho đến khi nào Sở Tài chính tỉnh Hà Tây (cũ) chuyển hẳn về Hà Nội”.
Bởi vì bên ngoài cổng treo tấm biển Sở NN-PTNT Hà Nội nên hàng trăm khách có việc tìm Sở Tài chính cứ đứng ngẩn ngơ trước cổng, tưởng mình nhầm. Người đứng ra để chỉ trỏ, hướng dẫn không ai khác lại chính là ông bảo vệ.
Chen chúc đứng, ngồi làm thủ tục
Trở lại địa chỉ số 2 Phùng Hưng (Hà Đông). Khách phải gửi xe ngoài cổng rồi đi hút vào bên trong mới nhìn thấy cái biển “Sở GTVT Hà Nội” vừa được treo trên cửa. Sở GTVT Hà Nội có may mắn hơn các sở khác là được tận dụng lại căn phòng “một cửa” của UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Tuy nhiên, diện tích căn phòng cũng không đủ chỗ xếp ghế ngồi cho khách. Vì vậy, khách đành kẻ đứng người ngồi, vào ra lố nhố.
Hôm nay, huyện Mê Linh chính thức về lại Hà Nội Sáng nay, 6-8, lễ chính thức bàn giao – tiếp nhận huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) giữa lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội đã được tổ chức tại trụ sở Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc. |
Chị Trần Thị Ánh Tuyết, nhân viên ở đây, bảo: “Mỗi ngày, Sở GTVT Hà Nội phải giải quyết khoảng hơn 30 loại thủ tục khác nhau. Người dân đến làm thủ tục càng ngày càng đông, nào xin cấp phù hiệu taxi, đổi giấy phép lái xe, nào xin giấy phép đào đường… Do cả sở phải làm tạm ở hội trường tầng 2 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) nên hiện tại, Phòng Quản lý phương tiện vẫn đang nán lại ở 16 Cao Bá Quát-Hà Nội, chưa di chuyển vào đây được”.
Thành ra, cả 8 phòng đều phải cử mỗi phòng một cán bộ, đi hơn chục cây số xuống đây ngồi từ sáng đến chiều để nhận hồ sơ, tài liệu của bà con rồi lại mang về Hà Nội chia nhau giải quyết.
Một nhân viên khác của sở tâm sự: “Phần lớn bộ phận ở đây hiện mới chỉ đáp ứng được các thủ tục cho người dân ở khu vực Hà Nội cũ. Còn người dân ở khu vực Hà Tây (mới) thì chúng tôi lại phải giới thiệu họ tìm sang Sở GTVT tỉnh Hà Tây (cũ) để giải quyết. Cũng có những thủ tục, người dân chạy đi chạy lại mà chẳng rõ là cơ quan nào sẽ giải quyết cho họ”.
Sở Tư pháp Hà Nội nằm bên cạnh cũng “căng” lên vì dân đến làm thủ tục quá đông. Chị Nguyễn Thị Hằng - Phó trưởng Phòng Hành chính tư pháp - đang loay hoay với cả núi công việc giữa đống bàn ghế, tủ hòm, tài liệu ngổn ngang, bừa bộn.
Chị bảo: “Từ ngày 1-8 đến nay, ngày nào cũng có hơn 100 lượt khách tìm đến làm các thủ tục như xin con nuôi, kết hôn, khai sinh có yếu tố nước ngoài, chuyển đổi quốc tịch... Nhưng hiện tại, chỗ để làm việc chỉ là tạm thời. Chỗ ngồi cho lãnh đạo còn chưa có, nói chi chỗ ngồi cho khách”.
Mệt mỏi ngồi đợi ngoài hành lang, anh Phùng Văn Hiển, nhà ở tận xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) cho biết đã lặn lội xuống đây từ sáng tinh mơ nhưng lòng vòng mãi gần 3 tiếng đồng hồ mới tìm được Sở Tư pháp Hà Nội. Quá chật chội, anh phải đặt mớ giấy tờ lên đùi, ngồi xổm để kê khai.
Truyền hình Hà Tây (cũ) trở thành một kênh của truyền hình Hà Nội Sau khi tổ chức sáp nhập Hà Tây-Hà Nội, hiện tại Đài PT-TH Hà Tây đã được sáp nhập vào Đài PT-TH Hà Nội và không tổ chức làm các chương trình thông tin thời sự nữa. Theo yêu cầu của lãnh đạo Đài PT-TH Hà Nội, hằng ngày Đài PT-TH Hà Tây có nhiệm vụ tiếp và phát sóng 5 chương trình thời sự của Đài PT-TH Hà Nội. Thời gian còn lại, Đài PT-TH Hà Tây (cũ) vẫn sẽ được phát các chương trình phim truyện, ca nhạc, trò chơi, live show giải trí, quảng cáo theo hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp. Chủ trương về lâu dài, Đài PT-TH Hà Tây (cũ) có thể trở thành một “kênh” của Đài PT-TH Hà Nội. Hiện nay, sau khi sáp nhập thì logo của Hà Nội (cũ) là “Ha Noi TV 1” còn của Hà Tây (cũ) là “Ha Noi TV 2”. |
VĂN PHÚC HẬU