Một thoáng Lưu Công Nhân

Không gian nghệ thuật Annam Gallery (số 371/4 đường Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) tổ chức triển lãm "Một thoáng Lưu Công Nhân". Trưng bày lần này như một lát cắt mỏng về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác nghệ thuật đồ sộ của cố họa sĩ.

Triển lãm diễn ra từ nay đến ngày 4-8, các tác phẩm trưng bày đưa người xem du hành ngược thời gian, từ giai đoạn họa sĩ dưỡng bệnh vào cuối đời tại Đà Lạt với loạt tranh màu nước trên giấy vô cùng tối giản, trở về thời điểm sự nghiệp vàng son lúc ông trẻ tuổi với loạt sơn dầu trên toan, vừa hiện thực vừa trừu tượng.

Cuối năm 2000, sức khỏe sa sút do mắc bệnh Parkinson, họa sĩ Lưu Công Nhân chuyển về Đà Lạt dưỡng bệnh và sau đó qua đời tại đây vào năm 2007. Ông vẫn vẽ để vơi đi nỗi nhớ nghề, vì với ông “vẽ là sống”, và vẽ cũng chính là cách xoa dịu tinh thần vào những ngày cuối đời tại giường bệnh, hay trên xe lăn.

Vào thời điểm này, ông gặp nhiều khó khăn khi vẽ tranh có kích thước lớn, nên loạt tranh màu nước tĩnh vật - đa phần là hoa, trên nền giấy Điệp và giấy Canson rất đơn giản với đôi nét dựng mảng - hình. Tuy nhiên, người xem tranh cảm nhận rõ, rằng họa sĩ vẫn làm chủ chất liệu rất tốt và chủ động trong nét bút của mình.

CN3 xnd.jpg
Tác phẩm trưng bày trong triển lãm

Với loạt tranh sơn dầu, các tác phẩm trải dài từ thời kỳ đầu sáng tác của Lưu Công Nhân với những hình ảnh về con người và cảnh quan thời chiến (thập niên 50-60). Thập niên 60 được xem như là giai đoạn rất đặc biệt trong đời nghệ thuật của Lưu Công Nhân.

Đây là giai đoạn ông đi nhiều, vẽ nhiều, đọc và suy ngẫm nhiều, lại đạt được nhiều thành tựu, dù phải trải qua hoàn cảnh chung khốc liệt của chiến tranh. Sau đó là giai đoạn tiếp xúc và chịu ảnh hưởng bởi hội họa trừu tượng Tây phương (khoảng từ năm 1970-1972), giai đoạn họa sĩ sống tại Hội An và vẽ tranh về phố thị cổ kính này (1984-1985), và thời kỳ tập trung vẽ nhiều tranh khỏa thân nữ (thập niên 90).

Họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007) là cựu sinh viên khóa Kháng Chiến (1950-1954). Ông từng tham gia giảng dạy tại chiến khu Việt Bắc của Trường Mỹ thuật Việt Nam, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Tác phẩm của Lưu Công Nhân mang đậm nét hình ảnh một nông thôn Việt Nam, nơi con trâu gắn bó với người nông dân đầy chất tình và chất phác, hồn hậu và bình yên dù trải qua sự khốc liệt của chiến tranh; hay hình ảnh người phụ nữ nông thôn Bắc bộ với nét đẹp dung dị mà gợi cảm dưới vành khăn mỏ quạ, đôi mắt hiền lành và thiết tha tình cảm.

Qua mỗi tác phẩm, cố họa sĩ dùng màu một cách đầy dụng ý, khéo léo kết hợp trang trí và tạo hình làm nên sức hút cho bức tranh. Hình ảnh quen thuộc dọc miền đất nước như: lũy tre, đồi cọ, con đường làng, cầu quán, chợ búa, sinh hoạt đồng áng, hoạt động của cuộc kháng chiến… đều có những nét tươi mới, nhuần nhị, duyên dáng trong tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Tin cùng chuyên mục