Một thế kỷ suy tư cùng nhà thơ Hải Như

Ngày 20-12, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hải Như (1923-2023), Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư”. Đây cũng là dịp ra mắt tuyển tập Thơ và tiểu luận (NXB Hội Nhà văn), tuyển chọn những bài thơ đặc sắc cũng như những trăn trở về văn học nghệ thuật lúc đương thời của nhà thơ Hải Như.

Nhà thơ Hải Như tên khai sinh là Vũ Như Hải. Ông sinh ngày 28-11-1923 tại Nam Định, trong một gia đình thuộc dòng dõi Nho học và trút hơi thở cuối vào ngày 30-6-2017 tại TPHCM. Là người cả đời lặng lẽ và miệt mài cầm bút, ông có sức thuyết phục độc giả ở nhiều thể loại khác nhau. Ở lĩnh vực thơ, ông đã xuất bản 6 tập, gồm: Trái đất mai này còn lại tình yêu (NXB Văn học, 1985), Bài thơ trên Bến Nhà Rồng (NXB Thuận Hóa, 1990), Nỗi buồn hoa bất tử (NXB Lao động, 1994), Viết về Người (NXB Nghệ An, 2004), Có hai dòng văn chương (Thơ và tiểu luận, NXB Trẻ, 2009), Thơ viết về Người (NXB Thông tấn, 2015).

z4992057545629-a14e75152c7d0092c96c4807c36e4418-2004.jpg
Tuyển tập "Thơ và tiểu luận" tuyển chọn những bài thơ đặc sắc của nhà thơ Hải Như

Bên cạnh mảng sáng tác chính là thơ, nhà thơ Hải Như còn có tập tùy bút Xin ai chớ phụ hoa ngâu (NXB Phụ nữ, 1996), tập kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (NXB Văn nghệ TPHCM, 1990, NXB Sân khấu tái bản năm 2000) cùng những trang tiểu luận mang tính gợi mở về biên độ thẩm mỹ của văn chương. Tuy vậy, ngoài những vần thơ mang nặng tính suy tư, nhà thơ Hải Như còn gây ấn tượng và xúc động qua những bài thơ về hình tượng Bác Hồ, với quan niệm: “Tôi viết về con người Hồ Chí Minh. Tôi viết về những bài học làm người mà tôi học được ở Bác Hồ”.

z4991564986140-671c2f76631fa7d137a3d926433f7dee-1347.jpg
Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển vừa là đồng nghiệp vừa là đồng hương với cố nhà thơ Hải Như, chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Hải Như

Nhắc đến nhà thơ Hải Như, công chúng phổ thông nhớ ngay đến những ca khúc nổi tiếng được dựa trên lời thơ của ông, đó là bài hát Như hoa hướng dương do Tô Vũ phổ nhạc, bài hát Thành phố hoa phượng đỏ do Lương Vĩnh phổ nhạc, hoặc bài hát Nơi ấy điểm hẹn do Trương Tuyết Mai phổ nhạc. Thế nhưng, sự nghiệp văn học của nhà thơ Hải Như có chiều kích rộng lớn hơn những điều độc giả bình thường đã cảm nhận được qua những kênh truyền thông đại chúng. Nhà thơ Hải Như còn có thành tựu ở lĩnh vực văn xuôi, kịch bản và thơ dịch... mà thời gian càng lùi xa thì những đóng góp của ông càng hiển lộ trong sự ngạc nhiên của bạn đọc hậu sinh thiện chí và sự thán phục của đồng nghiệp tiếp nối sáng tạo.

img-9107-4974.jpg
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại tọa đàm

Trong lời phát biểu đề dẫn, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho rằng, đây là một buổi sáng đặc biệt khi mọi người cùng ngồi bên nhau để nhắc nhớ về một nhân cách, một tài năng đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp văn chương và cho lẽ sống làm người - nhà thơ Hải Như.

“Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như, những tác phẩm của ông được in lại, được đọc lại càng khiến đồng nghiệp và công chúng yêu mến ông hơn. Sự nghiêm túc nghề nghiệp đến mức quyết liệt “không viết để có, mà viết để còn” của nhà thơ Hải Như đã tôn vinh quyền uy thi sĩ trở thành vẻ đẹp cuộc đời”, nhà thơ Bích Ngân cho biết.

z4991491136326-748e2aceabf0a7cff9521e7fe28ddf59-5404.jpg
Thuộc thế hệ hậu bối, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn dành tình cảm và sự trân trọng đối với cố nhà thơ Hải Như

Thuộc thế hệ hậu bối, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TPHCM mang đến tham luận “Nhà thơ Hải Như với giấy thông hành tự cấp”, chỉ ra những nét đặc sắc trong di sản mà nhà thơ Hải Như để lại, đặc biệt là dòng thơ viết về Bác Hồ. Nếu nhà thơ Tố Hữu khai thác hình tượng Bác Hồ khi Người còn tại thế, thì nhà thơ Hải Như tập trung viết về Bác Hồ sau khi Người đã qua đời.

Bằng sự trân trọng và quý mến tài năng của nhà thơ Hải Như, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ: “Cả đời ung dung và tự tại, nhà thơ Hải Như không màng danh vọng và có giá trị quan của riêng ông: “Trong trăm trận tự khẳng định mình khó nhất/ Kiêu ngạo thì không nhưng kiêu hãnh - rất cần”. Và ông đã tự cấp giấy thông hành nhà thơ cho bản thân để tác phẩm của ông cùng nhịp với những đắm say bất tận: “Hai đứa đi trong mùi hoa sữa/ Hồ Thiền Quang mờ trăng và sương/ Hoa sữa ngát căng đôi lồng ngực/ Tình yêu nào không xây bằng hương?”.

Tin cùng chuyên mục