Với ấn phẩm Bên sông Ô Lâu, bằng tình yêu và tấm lòng với quê hương, tác giả Phi Tân đã cặm cụi gom nhặt những mảnh hồn xưa rồi cẩn thận tái hiện lên trang viết, như một cách lưu giữ cho riêng mình. Nhờ thế, cuốn sách cũng có thể trở thành “bảo tàng ký ức” cho nhiều người.
Phi Tân viết về làng quê của mình, trải dài từ con sông Hương thơ mộng đến dòng sông Ô Lâu ven phá Tam Giang. Ấy vậy mà lại đầy thân quen! Có lẽ vì trong tiềm thức của mỗi người dân Việt, ai cũng có một chốn quê nào đó để thương để nhớ. Qua 57 bài viết, người đọc như được sống lại không khí và quang cảnh làng quê thanh bình với hồ sen trước chùa làng, những chuyến đò qua sông…
Đặc biệt, cuốn sách của Phi Tân còn mang đến cảm giác ngậm ngùi khi thấy “những thửa ruộng ven con đường cái của làng đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm”, rồi “hệ thống kênh dẫn nước từ khe làng hay các con khe khác đã bị lấp sạch để xây dựng nhà cửa, bê tông hóa đường đi…”. Đó là khi làng quê, không riêng gì những làng quê ở Huế, bị cuốn vào quá trình đô thị hóa.
Giống như một lời mời gọi, Về Huế ăn cơm có dung lượng dày dặn và tập trung hơn, như một nỗ lực nhằm giới thiệu đến người đọc một xứ Huế sâu đậm và giàu có thông qua ẩm thực. Qua 70 bài viết, tác giả Phi Tân lần lượt bộc lộ tâm tình của mình về những món ăn đã từng gắn bó. Đặc biệt, những món ăn đó không phải là những thứ cao lương mỹ vị, mà hoàn toàn được tạo nên từ thiên nhiên, từ đất trời cũng như từ chính những đôi tay khéo léo của con người xứ Huế. Đó là những món chè đầy sắc màu, được tạo nên từ các loại hạt củ quả quen như nếp, đậu, kê, khoai, bắp, hột sen, bột lọc, trái cây, rồi cả thịt heo quay. Là tô bún mắm nêm với sự kết hợp giữa hương vị thanh mát của rau mùi, rau húng, bạc hà, hoa chuối…
Cùng với Bên sông Ô Lâu và Về Huế ăn cơm, tác giả Phi Tân đã cho thấy tấm lòng của mình với quê hương, đồng thời là tấm lòng với người đọc, khi trở thành một hướng dẫn viên tận tâm, tận tình, mang đến những điều thú vị, hấp dẫn, để hiểu hơn về một vùng đất cổ kính, bình yên và bí ẩn.