Việc đấu giá công khai, minh bạch đã góp phần tối đa hóa lợi nhuận cho người có tài sản đấu giá, đặc biệt là đấu giá tài sản công cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung.
Để hoàn thiện dự án Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), theo tôi, luật cần bổ sung quy định giải thích về ngày, ngày làm việc, giờ hành chính tại các điều của luật, vì giờ làm việc của các cơ quan, các đơn vị, các ngân hàng và các địa phương... là khác nhau. Tại khoản 2 Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “Quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai”. Như vậy, đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì không được bán chỉ định khi chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá hoặc đấu giá không thành theo quy định tại Điều 49 Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Tuy vậy, cùng nội dung này nhưng các luật khác lại quy định được bán chỉ định đối với quyền sử dụng đất khi đấu giá không thành, như tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013; khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020; khoản 2 Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017…
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khái niệm bước giá: “Bước giá là mức chênh lệch của lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá đối với từng cuộc đấu giá”. Việc quy định như vậy là chưa phù hợp đối với những cuộc đấu giá phức tạp, giá trị lớn, cần có sự quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, cần bổ sung thêm là có thể quy định trong phương án đấu giá, nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh tùy tiện dẫn đến thất thoát, tiêu cực trong đấu giá tài sản công.