Một số luật được ban hành từ năm 2022 nhưng đến nay các bộ liên quan vẫn chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Với các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua thì đối với 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024 và 1-7-2024 cũng đều chưa có kế hoạch triển khai, trong khi đây là nội dung rất quan trọng và cần thiết để dự kiến các công việc phải làm, nguồn lực thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm việc thi hành kịp thời, có hiệu quả luật, nghị quyết ngay từ thời điểm có hiệu lực.
Quang cảnh hội nghị |
Cùng với đó, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Tính đến ngày 23-8-2023, vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành (chiếm 22%), một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 18 tháng so với thời điểm luật, nghị quyết có hiệu lực. Trong số 39 văn bản quy định chi tiết đã ban hành, chỉ có 9 văn bản (23%) được ban hành đúng thời hạn. Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2024, theo kế hoạch phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay cũng chưa có văn bản nào được ban hành.
Cá biệt có một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng văn bản quy định chi tiết lại ban hành chậm, làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội quyết định.
Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhưng phải sau 4 tháng, Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 12 mới được ban hành...
Các đại biểu dự hội nghị |
Nhiều giải pháp đồng bộ cần được triển khai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ. Về phía Chính phủ, đó là phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực phụ trách kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm nguồn lực và các điều kiện cần thiết cho việc thi hành luật, nghị quyết; có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.
“Trước mắt, với nhóm các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo công tác soạn thảo, khẩn trương ban hành 11 văn bản quy định chi tiết thi hành 7 luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các bộ còn nợ đọng và 39 văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-1-2024”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Cùng với đó, về lâu dài, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi; chấm dứt việc sử dụng hình thức văn bản hành chính để đặt ra thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật.