Cuộc sống đảo lộn
Gần 11 giờ đêm 27-6, chị Nguyễn Thị Hân (ngụ tại hẻm 65 Nguyễn Thị Căn, quận 12, TPHCM) vẫn đứng đợi ở đầu hẻm, chờ nước rút mới có thể vào nhà, mặc dù nhà chị cách đó chưa tới 20m. “Các cơn mưa trước mình đều chạy ào về nhà, hậu quả là chiếc xe tay ga bị chết máy, đi sửa hết hơn 500.000 đồng/lần. Cơn mưa tối 27-6 khá lớn, hẻm ngập sâu, một số xe máy phải quay đầu tìm chỗ sửa”, chị Hân cho hay. Theo bà con sinh sống quanh đây, câu chuyện này không mới; và tình trạng ngập ngày càng trầm trọng, năm sau nặng hơn năm trước khi các tuyến đường “bao vây” xung quanh như Nguyễn Thị Căn, Tân Thới Hiệp 6 liên tục được nâng nền. Hầu hết các hộ dân sinh sống tại hẻm 65 Nguyễn Thị Căn, hẻm 87 Tân Thới Hiệp 6… đều chủ động nâng nền “ăn theo” đường lớn để tránh ngập, nhưng oái oăm thay, càng nâng càng ngập.
Bà Lê Thị Thanh (70 tuổi), nhà ở cuối hẻm 65 Nguyễn Thị Căn, nói rằng, năm 2021, gia đình bà đã nâng nền khoảng 50cm đề phòng nước tràn vào nhà. Thế nhưng, trong cơn mưa lớn cách nay vài tuần, nước đã tràn vào ướt hết đồ đạc, cả nhà lau dọn rất vất vả. Không riêng hẻm 65 Nguyễn Thị Căn, các hộ dân sinh sống gần quán lẩu dê Đức Thành (cũ) trên đường Tân Thới Hiệp 21
(quận 12) cũng khổ sở vì mưa ngập. Ở đoạn giao cắt đường Tân Thới Hiệp 21 với đường Dương Thị Mười, nhiều xe lưu thông qua đây bị chết máy. Những nhà dân sinh sống gần đó không có điều kiện nâng nền đều phải xây bờ bao chặn nước tràn vào.
Tương tự, một số tuyến đường khác như Nguyễn Văn Quá (đoạn gần quốc lộ 1A, quận 12); Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp); Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức)… cũng rơi vào cảnh cứ mưa là nước ngập lênh láng. Thậm chí, một số cơn mưa không lớn, kéo dài chỉ hơn nửa giờ đồng hồ cũng có thể gây ra tình trạng ngập nước, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Triển khai nhanh các dự án chống ngập
Theo lời một số người dân sinh sống tại các điểm ngập nêu trên, sau cơn mưa từ 1-2 giờ thì nước sẽ rút hết. Nhưng cá biệt một vài nơi, như hẻm 65 Nguyễn Thị Căn (quận 12), có thời điểm mưa rải rác kéo dài, các họng thoát nước do người dân góp tiền xây dựng bị rác lấp kín, nên nước thoát chậm hơn nhiều so với bình thường. Chưa kể, khu vực sinh sống của người dân là “hạ nguồn”, giống như đáy phễu, nên ngoài việc trông chờ nước tự thẩm thấu vào lòng đất hoặc bốc hơi, thì hầu như không có hệ thống cống đấu nối nào có thể hỗ trợ nước thoát nhanh hơn.
Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo UBND quận 12 cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng đường Tân Thới Hiệp 21, với kinh phí trên 112 tỷ đồng, đã được Sở GTVT TPHCM phê duyệt năm 2016, nhưng do dịch Covid-19 nên chưa triển khai được. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, kinh phí dự trù thực hiện dự án tăng lên khoảng 300 tỷ đồng, nên phải chờ HĐND TPHCM xem xét, thông qua. Ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận 12, thông tin, hàng năm địa phương đều chủ động nạo vét, khơi thông dòng chảy dọc các tuyến đường trọng điểm mà người dân phản ánh nhiều (như các tuyến đường Nguyễn Văn Quá, Tân Thới Hiệp 21…). Với tuyến đường Nguyễn Văn Quá, mặc dù đã có cống hộp nhưng vẫn xảy ra tình trạng ngập do lưu lượng nước mưa quá lớn, nước không kịp thoát ra kênh. Quận 12 chỉ có thể trông chờ vào thành phố, vì nguồn kinh phí cho dự án chống ngập thuộc thẩm quyền TPHCM.
Dễ nhận thấy từ nhiều năm nay, chống ngập đô thị luôn là bài toán nan giải với TPHCM, đặc biệt trong thời điểm đang chịu sự tác động nặng nề của yếu tố tự nhiên như triều cường, mưa…, cùng với quá trình đô thị hóa, dân số tăng; hệ thống thoát nước và kênh, rạch dù đã cải tạo, phục hồi nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Với thực tế này, TPHCM cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng san lấp, lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn các quận, huyện, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị mới; kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư, chủ đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết đảm bảo chức năng thoát nước, điều tiết của hồ (không phải hồ cảnh quan) trước khi thực hiện san lấp. Đồng thời, thực hiện rà soát và tận dụng những khu vực trống để tăng cường các mảng xanh nhằm điều hòa lượng nước, tăng hệ số thấm, góp phần bổ cập lượng nước ngầm của TPHCM.
Về lâu dài, TPHCM cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch chống ngập theo thực tế, tránh để lạc hậu trước những điều kiện biến đổi khí hậu. Giải pháp ứng phó với ngập úng nói riêng và các tác động khác của biến đổi khí hậu nói chung không thể “khoanh” lại trong phạm vi địa giới của TPHCM, mà phải có sự phối hợp của các địa phương khác vì ngập úng, biến đổi khí hậu là vấn đề chung của cả nước chứ không riêng một địa phương nào.
Theo nhận định của một chuyên gia thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM, câu chuyện “đến hẹn lại ngập” tại một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM đang gặp phải những vướng mắc chưa thể giải quyết ngay, trong đó quan trọng nhất là nguồn vốn. Song song đó, những quy hoạch bài bản, chiến lược dài hạn, đồng bộ hệ thống kỹ thuật… cũng cần được triển khai, hậu kiểm thường xuyên, liên tục.