Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Quốc hội Sri Lanka giải quyết tình hình bằng cam kết cải thiện tình hình đất nước.
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi bất kỳ chính phủ mới nào (của Sri Lanka), được bầu hợp hiến, cần nhanh chóng xác định và thực thi những giải pháp nhằm đạt được ổn định kinh tế dài hạn cũng như giải quyết mối bất bình của người dân Sri Lanka về tình hình kinh tế ngày một xấu đi, trong đó tình trạng thiếu điện, lương thực và nhiên liệu".
Trong khi đó, Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait và Qatar đã khuyến cáo công dân các nước này tránh đến Sri Lanka trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở nước này.
Trên mạng xã hội, Đại sứ quán các quốc gia vùng Vịnh trên ở Sri Lanka khuyến cáo công dân các nước này không đến gần những người biểu tình và nên rời khỏi Sri Lanka nếu có thể. Du khách nên tránh các chuyến đi đến Sri Lanka cho đến khi tình hình ổn định.
Colombo - thủ đô thương mại của Sri Lanka, đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình lớn ngày 9-7. Hàng nghìn người biểu tình đã tiến về Colombo, phá hàng rào bảo vệ và xông vào Phủ Tổng thống nước này nhằm bày tỏ sự bất bình với những khó khăn mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 9-7 thông báo sẽ từ chức vào ngày 13-7 để đảm bảo cho một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tại quốc đảo này. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây.
Trong những tuần gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều đề nghị hỗ trợ Sri Lanka trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang chật vật đương đầu với tình trạng khan hiếm nhiên liệu và lương thực chưa từng có.