Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-12-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Kết luận số 120KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, chúng ta đã thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng đồng thuận trong nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, trong thực hiện cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, một số nơi thực hiện còn hình thức, thậm chí vi phạm dân chủ, gây bức xúc trong bộ phận nhân dân. Nguyên nhân có cả do tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và có cả quy định chưa rõ trách nhiệm, có nội dung chưa quy định cần tiếp tục thể chế.
Phản biện dự thảo luật, theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thực tế hiện nay ở nhiều nơi, nhận thức về dân chủ ở cơ sở chưa được tăng cường, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa được phát huy. Dân chủ chưa là động lực trong nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ, các mục tiêu kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế…
Muốn đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo ông Đỗ Duy Thường, phải quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong dự thảo luật, nhất là trách nhiệm của công chức, cơ quan nhà nước trong bảo làm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với những phản ánh của nhân dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
“Ví dụ, những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết. Khi dân phản ánh thì cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh tra, cùng với đó, thanh tra nhân dân cũng có thể phối hợp làm được việc này”, ông Đỗ Duy Thường nói.
GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, luật này quan trọng vì liên quan đến toàn bộ xã hội, người dân, do đó phải làm rõ khái niệm “cơ sở”. Mặt khác, muốn thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở thì phải bảo đảm có cuộc sống ổn định cho người dân, tăng cường sự am hiểu pháp luật cho người dân. “Dân chủ sẽ là thứ gì đó hào nhoáng, xa xỉ khi dân còn phải sống đói nghèo. Và đương nhiên, để dân thực hiện được dân chủ thì chính quyền phải vào cuộc cùng người dân”, GS Hoàng Chí Bảo phát biểu. Ông cũng cho rằng, nếu chúng ta thành công chống tham nhũng, quan liêu, thực hiện cho được các quyền của dân thì luật này sẽ có bước đột phá trong xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để nhân dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi được thông qua và được tổ chức thực hiện tốt sẽ không chỉ là kết quả thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở, mà còn là cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ông Châu cũng cho rằng, dự thảo luật chưa quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhân dân; quyền và trách nhiệm của Chính quyền cơ sở; quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở với ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong thực hiện các khâu thực hiện dân chủ. Đây là vấn đề cốt lõi, rất cơ bản để thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra”. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phải được nhấn mạnh ở khâu chủ động đề xuất các vấn đề dân bàn, dân quyết định, dân được tham gia ý kiến.
Đồng thời, phải làm rõ hơn nữa vai trò của mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề dân quyết định, dân kiến nghị, yêu cầu; các phương thức để thực hiện các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của nhân dân; trong việc hỗ trợ nhân dân thực hiện kiểm tra chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nội dung được kiểm tra; trong việc hỗ trợ nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đi vào thực chất và có hiệu quả…