Hội nghị tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay, 29-10 tại Hà Nội với sự hỗ trợ từ Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nêu rõ, bối cảnh kinh tế trong năm 2021 không hề dễ dàng đối với Việt Nam. “Đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch bệnh Covid-19, nhưng diễn biến vẫn còn rất phức tạp. Những cụm từ như “lúng túng”, “chưa từng có tiền lệ”… không phải là hiếm thấy”, TS Hồng Minh nhận định.
Viện trưởng CIEM cũng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính GDP năm 2021 ở mức từ 2,0% đến 2,5% (thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố tháng 8-2021). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức cao hơn là 3,78%.
“Dự báo, kỳ vọng về tăng trưởng vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nếu đi kèm với tính bền vững, ít nhất là trong vòng 5 năm tới”, bà Hồng Minh nhấn mạnh. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh ấy, tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng “làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng”. Theo Viện trưởng CIEM, xác định và kiên trì thực hiện những cải cách đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất chính là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi chính sách quản lý điều hành.