Một số kinh nghiệm chăm sóc thực vật thủy sinh

Một số kinh nghiệm chăm sóc thực vật thủy sinh

Trước nhu cầu trang trí, làm đẹp nhà cửa, nơi làm việc ngày càng tăng lên cùng với các loại sinh vật cảnh khác như cây kiểng, hoa, phong lan, đá cảnh, cá cảnh…, các loại thực vật thủy sinh bao gồm các loại cây cỏ, rong, rêu có khả năng sống và phát triển trong môi trường nước đã và đang được nhiều người ưa chuộng.

Thực vật thủy sinh thường được trồng trong các hồ xi măng, bể kiếng kết hợp bố trí thêm đá cảnh, non bộ hài hòa và tất nhiên là nuôi các loại cá cảnh. Tất cả các loại sinh vật cảnh đó tạo nên một tiểu cảnh hết sức đa dạng, phong phú và theo thẩm mỹ riêng của từng người, vừa ít tốn thời gian chăm sóc, vừa tao nhã.

Một số kinh nghiệm chăm sóc thực vật thủy sinh ảnh 1

Cây thủy sinh trong hồ cá được nhiều người ưa thích.

Các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… đều phát triển rất mạnh các loại thực vật thủy sinh: chọn lọc, lai tạo, nhân giống, tổ chức sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ, xuất khẩu…

Các nước châu Âu đã định danh, nghiên cứu, phổ biến thực vật thủy sinh từ nhiều năm trước. Các nhà khoa học Đức đã sưu tầm hơn 300 loại thực vật thủy sinh; các nhà thiết kế Hà Lan đã hình thành một trường phái mỹ thuật về cách sắp xếp, tạo hình các loại thực vật thủy sinh rất độc đáo, đặc sắc.

Tại TPHCM đã bắt đầu hình thành một thị trường chuyên cung cấp các loại giống và làm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu này. Đã có hàng trăm cơ sở bán các loại thực vật thủy sinh kết hợp cá cảnh, có nguồn gốc trong nước và ngoại nhập; hàng chục cơ sở chuyên làm các dịch vụ thiết kế, trồng chăm sóc, bảo trì, tư vấn…

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, định danh và phương pháp nuôi trồng các loài thực vật thủy sinh do thạc sĩ Nguyễn Văn Phong tiến hành cho thấy, ở nước ta có khá nhiều loại thực vật thủy sinh vừa có giá trị thẩm mỹ cao, dễ nhân giống, dễ trồng, vừa có giá cả thích hợp với những người có thu nhập thấp.

Trong tương lai không xa, các nhà khoa học sẽ đúc kết và phổ biến các kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như cung cấp giống, dịch vụ cần thiết để thực vật thủy sinh có thể đến với mọi người, mọi nhà, để mọi người có thể tự mình thiết kế, bài trí, nuôi trồng, chăm chút một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ phù hợp với sở thích của mình.

Là người mới gia nhập vào thế giới lung linh huyền ảo này, tôi mạnh dạn nêu ra một số kinh nghiệm như sau:

- Nên chọn lọc, nhân giống và tổ chức nuôi trồng các loại thực vật thủy sinh có nguồn gốc nội địa, vừa rẻ tiền vừa dễ sống vì thích nghi với môi trường, khí hậu nước ta.

- Nên hạn chế ánh sáng, chỉ sử dụng vừa đủ để tránh lãng phí điện. Nhiều ánh sáng, dư ánh sáng sẽ tạo môi trường cho rêu phát triển, làm mờ và xấu đi hồ thủy sinh.

- Mỗi bể thủy sinh nên nuôi một con cá nóc (nước ngọt) để diệt các loại ốc. Vì các loại ốc tuy nhỏ bé nhưng phá hại rất nhanh các loại thực vật. Sau khi diệt hết ốc phải bắt cá nóc ra, không để cá nóc cắn chết các loại cá cảnh.

Trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, hoa, cây kiểng, cá cảnh đã và đang đạt được những thành quả đáng khích lệ. Các loài thực vật thủy sinh càng làm đa dạng, phong phú thêm thú vui chơi, thưởng ngoạn sinh vật cảnh.

Với những ưu thế về trình độ và sự nhạy bén của nghệ nhân; về khí hậu và thổ nhưỡng; về thị trường và sự yêu thích của công chúng, chắc chắn trong tương lai không xa các loại thực vật thủy sinh sẽ có một vị trí xứng đáng trong thế giới sinh vật cảnh muôn màu muôn vẻ ở TPHCM và cả nước. 

TRƯƠNG HOÀNG
Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM

Tin cùng chuyên mục