Giữa trận mưa liên tục kéo dài suốt sáng 2-10, chúng tôi tìm đến khu vực lắp đặt hồ điều tiết ngầm và các vị trí triển khai công trình chống ngập tại quận Thủ Đức để nghe xem người dân địa phương - những người được thụ hưởng dự án, nói gì?
Giảm ngập đáng kể
Người dân sinh sống ở khu vực phường Bình Thọ và Linh Chiểu nhận xét, từ khi hồ điều tiết ngầm lắp đặt trước Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức được đưa vào sử dụng, mức độ ngập khu vực này đã giảm đáng kể.
Ông Phạm Sỹ Thống, ngụ khu phố 2, phường Bình Thọ, dẫn chứng: “Trận mưa lớn sáng qua nếu là trước kia có thể gây ngập gần nửa bánh xe thì nay còn khoảng 3 - 5 phân, hết mưa thì nước rút nhanh, đường sá cũng tạnh ráo”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, bảo vệ một cửa hàng thời trang trên đường Võ Văn Ngân, phường Linh Chiểu, Thủ Đức chung nhận xét, tình trạng ngập trên tuyến đường này đã có nhiều phần giảm.
“Trước kia, dù trời đã hết mưa nhưng phải mất cả giờ nước mới rút, xe hai bánh chết máy liên tục, đẩy bộ bì bõm lên những chỗ cao ráo hơn để sửa. Từ khi có hồ điều tiết thì nước trên đường rút nhanh hơn, gặp cơn mưa to thì sau khi hết mưa khoảng 15 - 20 phút là rút hết nước, đơn cử như cơn mưa lớn vừa qua đường Võ Văn Ngân không bị ngập. Tuy vậy, nếu trận mưa lớn kéo dài vẫn có thể gây ứ đọng nước, nhất là đoạn trũng xuôi về hướng chợ Thủ Đức”, ông Hiền kể.
Cũng trong chiều 2-10, ngay khi mưa vừa tạnh, nhân viên và công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị đã đưa xe đến bơm hút hỗ trợ cho hồ điều tiết ngầm. Các nhân viên này cho hay, cơ chế hoạt động của hồ là tự thấm nhưng trường hợp hồ đầy nhanh sẽ bơm hút hỗ trợ. Sau cơn mưa, công nhân kiểm tra thấy hồ đã gần đầy (dung tích thiết kế của hồ là 110m3) thì tiến hành bơm hút cạn hồ xả ra cống thoát nước để chuẩn bị dung tích trữ nước cho những cơn mưa tiếp theo.
Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), máy bơm công suất lớn cũng đang trong giai đoạn vận hành thí điểm. Bước đầu ghi nhận sau trận mưa to đêm 1-10 và sáng 2-10, nước rút nhanh hơn và ngập giảm hẳn.
Trước đó, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng cũng đang được Tập đoàn Trung Nam triển khai đầu tư.
Dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài, bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và 2 huyện Nhà Bè, Bình Chánh, với diện tích ảnh hưởng khoảng 100ha, dự kiến khi hoàn thành vào năm 2018, TPHCM có thể kiểm soát được ngập do triều, chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị cho khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành 30% khối lượng công trình nên chưa thể đánh giá hiệu quả.
Kết hợp nhiều giải pháp
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, ngoài các giải pháp siêu máy bơm, hồ điều tiết ngầm… trung tâm còn triển khai kết hợp nhiều giải pháp chống ngập khác, như nạo vét nhiều đoạn, tuyến kênh rạch trên địa bàn, bao gồm cả kênh rạch lớn như Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Vạn Tường, Tham Lương - Bến Cát… Về lâu dài, UBND TP cũng đã chỉ đạo xử lý tình trạng nhà cửa lấn chiếm sông, kênh rạch nhằm tạo thông thoáng cho nước lưu thông.
Theo ông Công, nhìn chung ngập hiện nay chủ yếu ở những khu vực hệ thống cống cũ, cửa thoát nước của hệ thống này nằm ở cao trình cũ. Khi mưa lớn khoảng 80 - 100mm, kết hợp với triều cường thì hệ thống này bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Để giải quyết ngập căn cơ, phải xây dựng hệ thống thoát nước và khẩn trương khơi thông hệ thống mương rạch thoát nước để tăng lưu lượng dòng chảy, tăng dung tích chứa nước tại các kênh rạch như Cầu Sơn, Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa, Ruột Ngựa...
TPHCM cũng đang triển khai quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết trên cơ sở tận dụng tối đa các khoảng không gian hiện hữu còn chưa xây dựng, xác định các khu vực ưu tiên để đầu tư công trình hồ điều tiết trong thời gian tới; xây dựng các quy định về quản lý vận hành hồ điều tiết.
Việc lập quy hoạch hồ điều tiết cũng tích hợp hài hòa với các công trình chống ngập lớn (xây đê bao khép kín và các cống kiểm soát triều theo Quyết định 1547 của Chính phủ). Việc triển khai xây dựng hồ điều tiết giống như cách trả lại không gian chứa nước tự nhiên mà trước đây đã bị san lấp để phát triển đô thị. Ngoài việc xây dựng đê bao, xây hồ điều tiết thì còn phải tính tới chuyện phát triển những khu đô thị thích ứng với nước ngập.
TPHCM là đô thị đặc biệt, dân số thường xuyên lưu trú trên 13 triệu dân, tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng. TPHCM đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng ngập, tuy nhiên, do các công trình đều đang trong giai đoạn thí điểm hoặc chưa hoàn thành, vì vậy, người dân TP sẽ phải chờ đợi thêm thời gian nữa, khi các dự án chống ngập hoàn thiện và cùng phát huy tác dụng.