Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội kiến nghị, dự thảo luật cần giải quyết triệt để vấn đề về chính sách nhà ở xã hội, bởi hiện còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn chưa thể mua được nhà. Cần có sự hỗ trợ trực tiếp, công khai, minh bạch về nhà ở xã hội. Luật Đất đai lần này phải làm cho thật căn cơ, đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân về vấn đề nhà ở. Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp để tạo sự ổn định về nhà ở cho người lao động, giúp công nhân, người lao động yên tâm làm việc, phát triển doanh nghiệp.
Quan tâm đến vấn đề nhà ở công vụ, TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội đề nghị giao cho 1 bộ thống nhất quản lý nhà công vụ, thực hiện nghiêm việc khi hết nhiệm vụ hoặc chuyển công tác khác thì cán bộ trả lại nhà công vụ, tránh để hiểu sai là “đặc quyền, đặc lợi”. Điều này phải được quy định rõ ràng và cần thiết trong luật. Đồng thời phải có cách tiếp cận và hiểu cho đúng là nhà công vụ chỉ để phục vụ cho những người thực thi công vụ, khi rời khỏi công vụ rồi phải trả lại cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng, nhà công vụ phải phục vụ cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức. “Nhiều thầy giáo phải đi thuê nhà ở lụp xụp thì làm sao mà dạy học tốt được. Đề nghị khi quy hoạch đô thị và các khu dân cư thì phải có quy hoạch dành cho nội dung này”, ông Tiêu nói.
Còn TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, nhà ở công vụ được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác để đảm bảo điều kiện về ở cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.
“Một số cán bộ có đến 2-3 nhà công vụ. Ở địa phương đã có, về trung ương lại làm đơn thống thiết xin cấp nhà. Khi không có chính sách cấp nhà thì một số nơi lại quay sang bán nhà, bán nhà bên ngoài 3-5 tỷ đồng, nhưng bán cho cán bộ 300 - 500 triệu đồng dẫn đến bất hợp lý, bất công, không công bằng trong cán bộ và giữa cán bộ với người dân”, ông Chức nêu.
TS Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội |
Về giải quyết việc làm và sinh kế bền vững cho người dân khu vực tái định cư khi bị thu hồi đất, TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần kết hợp nhiều hình thức khác như hỗ trợ chuyển đổi nghề, ưu tiên đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp nhằm bảo đảm sinh kế lâu dài, ổn định cho hộ gia đình, cá nhân người dân bị thu hồi đất.
Dự thảo luật cần quy định cụ thể đất xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ. Chính phủ và Ban soạn thảo Luật Đất đai cần tổng kết Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20-4-2009 của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Ông Trần Phù Tiêu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ |
Ông Trần Phù Tiêu quan tâm đến vấn đề đất khu công nghiệp, cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng về nhà ở cho công nhân. “Không thể lấy đất ở khu công nghiệp để kết hợp vào khu nhà ở cho công nhân, bởi thực tế ở trong khu công nghiệp không thể đảm bảo điều kiện về khu sinh hoạt chung và môi trường đảm bảo cho đời sống của công nhân”, ông Tiêu nói.
Việc xây dựng nhà ở công nhân phải đảm bảo quyền và lợi ích của công nhân và phải có cơ chế Nhà nước đầu tư đến đâu; doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn như thế nào để đảm bảo chính sách nhà ở cho công nhân lao động, đơn cử nếu mức giá trên 300 triệu đồng thì liệu công nhân, người lao động nghèo có mua được nhà không?