Đáng chú ý, báo cáo giám sát chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 còn hạn chế là do công tác dự báo, tổng hợp, rà soát, đề xuất danh mục, mức vốn các dự án đầu tư sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa bám sát thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều và do đó, chậm trễ trong triển khai thực hiện.
Một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các chính sách; chưa thực sự chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn đối tượng thụ hưởng; công tác tuyên truyền phổ biến và triển khai một số chính sách còn lúng túng. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục.
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách còn chậm, có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến lúng túng trong triển khai, tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.
Về trách nhiệm của các cơ quan, báo cáo giám sát chỉ ra, một số bộ, cơ quan có trách nhiệm trong tham mưu đề xuất các chính sách chưa sát với thực tiễn, như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, chính sách sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, việc tăng vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch nhưng không được sử dụng hiệu quả.
Theo báo cáo, các Bộ: Y tế, LĐTB-XH, các địa phương chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất danh mục và mức vốn dự kiến bố trí cho một số dự án trình Quốc hội còn chưa sát với thực tiễn, thiếu tính khả thi. Trong đó có việc xác định các dự án thuộc lĩnh vực y tế đầu tư cho các địa phương, các tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện cấp Trung ương.
Hệ quả là trong quá trình thực hiện đã phải rà soát, đề xuất lại danh mục, dẫn đến mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và chậm phân bổ vốn của chương trình. Một số dự án thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, như: đầu tư xây dựng mới, cải tạo và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề không đúng đối tượng, phải rút khỏi chương trình.
Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương là chủ đầu tư các dự án chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị đầu tư chưa tốt, lựa chọn, đề xuất, đăng ký các dự án chưa bảo đảm tính sẵn sàng và khả năng hấp thụ vốn không cao; chưa chủ động, tích cực và kịp thời thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo yêu cầu, chậm giao vốn, chậm thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chậm triển khai thi công các dự án.
Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu sáng 25-5 cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả tích cực trong triển khai Nghị quyết 43, việc ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách cũng còn hạn chế, đặc biệt là công tác xây dựng, đề xuất danh mục dự án đầu tư từ nguồn vốn chương trình của một số bộ, ngành, địa phương...
Theo báo cáo, một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.
Chính sách sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích chưa thực hiện giải ngân được như dự kiến; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được tăng vốn điều lệ nhưng chưa được sử dụng hiệu quả.