Chị Nguyễn Thị Chiều Xuân, Giám đốc Lionbooks, cho biết: “Sau Hà Nội, chúng tôi đưa sự kiện “Tiếng Việt” vào TPHCM nhằm lan tỏa văn hóa đọc cũng như truyền cảm hứng đến phụ huynh và các bạn nhỏ, giúp mọi người có cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn những thông tin liên quan đến vẻ đẹp của mỗi vùng miền ở Việt Nam. Từ đó, giúp các bạn nhỏ thêm yêu quê hương, đất nước mình”.
Được lấy chất liệu từ dòng sách Em yêu Việt Nam mình do Lionbooks phát hành, mỗi cuốn sách là những câu chuyện nho nhỏ, tôn vinh "tiếng" của mỗi vùng, được "nghe" và được "kể" lại dưới góc nhìn của các bạn nhỏ, khơi nguồn cảm hứng tìm hiểu, yêu thương và gắn kết với nguồn cội; từ đó, xây dựng "tiếng" Việt cho các em bé Việt.
Theo chị Chiều Xuân, “tiếng” ở đây có thể là vẻ đẹp tự nhiên, là sự đặc biệt của thời tiết, là văn hóa, là con người, là những điều từ nhỏ xíu đến to to, làm nên bản sắc của mỗi vùng. “Chúng tôi tin, "tiếng" của mỗi con người đều được hình thành từ nếp nhà, từ nguồn cội, từ văn hóa truyền nối qua các thế hệ, và từ chính nơi các bạn sinh ra, nơi các bạn mãi mãi thuộc về”, chị Chiều Xuân chia sẻ.
Tại chương trình, các em nhỏ đã được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị và hữu ích như chiêm ngưỡng bức tranh khổ lớn Em yêu Việt Nam mình, được tìm hiểu và học hỏi những cách chào nhau đến từ các cộng đồng của Việt Nam như Kinh, Jrai, Thái, Mạ, Nùng, Khmer…
Ngoài ra, các em nhỏ còn được tìm hiểu về hành trình sinh nở của rùa biển thông qua sa bàn do nghệ sĩ Cao Thanh Thà thực hiện bằng gốm.
Cũng tại chương trình, các em còn được tìm hiểu ngôn ngữ địa phương, văn hóa, lễ hội vùng miền, tìm hiểu ẩm thực vùng miền qua các tác phẩm được tạo nên từ đất sét đầy sinh động; các món ăn như bánh mì, kẹo cu đơ, bánh tằm… Đặc biệt, nhiều em cảm thấy thích thú khi được tận tay trải nghiệm việc làm bánh in, làm gốm và dệt vải.
Đang sống ở Dubai, mùa hè năm nay, chị Mai Anh đưa con về Việt Nam thăm quê hương, khi biết tin có sự kiện “Tiếng Việt”, chị đã đưa hai con tham dự. Chị Mai Anh cho biết: “Chương trình thực sự rất hay và ý nghĩa. Gia đình tôi ở nước ngoài, bé cũng nói được tiếng Việt nhưng không phải quá nhiều. Tôi muốn đưa con đến để con biết được tất cả những gì về Việt Nam, về văn hóa, về trang phục, ẩm thực… Bởi đó chính là cội nguồn của con”.
Sự kiện “Tiếng Việt” diễn ra đến Chủ nhật ngày 11-8 tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TPHCM).
Theo chị Nguyễn Thị Chiều Xuân, sự kiện “Tiếng Việt” sẽ khép lại chặng 1 của dòng sách Em yêu Việt Nam mình, sử dụng chất liệu vùng miền và địa phương để thực hiện. “Ở chặng 1, chúng tôi đã xuất bản các ấn phẩm về Trường Sa, miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội, TPHCM… Chúng tôi tạm khép lại hành trình này để đến với hành trình tiếp theo, sử dụng chất liệu về văn hóa truyền thống, về trang phục và ẩm thực địa phương để có thể xuất bản một dòng sách mới dành cho các bạn nhỏ”.