Sở dĩ môi trường không khí tại nhiều đô thị lớn ở nước ta bị ô nhiễm là do hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp… phát triển mạnh, trong khi mật độ cây xanh bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn. Tại cả thủ đô Hà Nội và TPHCM, diện tích này đều dưới 4m²/người, trong khi tiêu chuẩn là 10m²-15m²/người. Trên toàn quốc, chất lượng rừng tiếp tục suy thoái (bất chấp việc tổng diện tích rừng tăng, đạt mức độ che phủ 40%).
Trong khi đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí từng bước được hoàn thiện. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và hệ thống văn bản dưới Luật đã quy định cụ thể về các biện pháp quản lý chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm do khí thải công nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung, việc áp dụng và tuân thủ các quy định pháp luật và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt chưa nghiêm khắc, thiếu tính răn đe, cảnh báo. Nền sản xuất còn dựa quá nhiều vào công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; hoạt động quy hoạch thiếu cơ sở khoa học, thiếu tầm nhìn bền vững…
Trong số các ý kiến tại hội thảo, đáng lưu ý là đề xuất khẩn trương xây dựng, ban hành một đạo luật về kiểm soát ô nhiễm không khí với những quy định chi tiết để khắc phục những bất cập nêu trên. Đồng thời, có thể nghiên cứu quy định nguyên tắc bảo vệ môi trường (trong đó có môi trường không khí), trong hoạt động quy hoạch ngay tại dự án Luật Quy hoạch sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới đây.