° Tôi đang hưởng chế độ trợ cấp tuất với số tiền là 605.000 đồng/tháng. Từ cuối năm 2017, tôi được hưởng chế độ hưu trí với số tiền là 1,3 triệu đồng/tháng. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp tuất nữa không? (TRẦN QUỐC VẬN, quận Bình Tân, TPHCM)
° Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Thân nhân đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo đúng quy định, sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Trường hợp của ông đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, sau đó được hưởng chế độ hưu trí với số tiền 1,3 triệu đồng/tháng thì ông vẫn được hưởng tiền tuất hàng tháng.
° Tôi vừa nhận thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới, mã số có tới 12 số, khác với mã số trong sổ lãnh lương hưu (chỉ có 6 số). Có phải mã số thẻ BHYT của tôi bị sai không? (HUỲNH NGỌC BẠC, quận Tân Bình, TPHCM)
° Theo Công văn số 3340 ngày 8-8-2017 của BHXH Việt Nam về việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH (mẫu thẻ mới), thì 10 ký tự cuối của mã số in trên thẻ BHYT là mã số BHXH. Trường hợp của bà trước đây chưa được cấp mã số BHXH, nên cơ quan BHXH thực hiện cấp mã số BHXH mới và đổi thẻ BHYT theo mã số này. Do số trên sổ lãnh lương hưu chỉ có 6 số không phải là mã số BHXH nên bà được cấp mã số BHXH mới để in trên thẻ BHYT. Tôi đã kiểm tra dữ liệu và thấy mã số in trên thẻ BHYT của bà là đúng, bà yên tâm sử dụng và không cần phải đổi lại thẻ nữa.
° Tôi tham gia bộ đội chống Mỹ từ năm 1972-1976 rồi ra quân, làm giảng viên đến ngày nghỉ hưu với 38 năm đóng BHXH. Tôi còn giữ được quyết định ra quân. Tôi có được chuyển đổi mã BHYT từ mã HT3 sang mức cao hơn là HT2 không? Nếu được thì đổi ở đâu? (bạn đọc có email nguyenhuu49…@gmail.com)
° Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30-4-1975 trở về trước được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn (mức 2). Như vậy, trường hợp của ông thuộc đối tượng được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn (mức 2). Ông cần lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh quyền lợi khám chữa bệnh trên thẻ BHYT (theo phiếu giao nhận hồ sơ 610), kèm theo một trong các giấy tờ có liên quan đến thời gian tham gia kháng chiến như quyết định phục viên, hoặc xuất ngũ, hoặc chuyển ngành nộp cho cơ quan BHXH quận, huyện nơi cấp thẻ BHYT hưu trí để được giải quyết.
° Tôi có 2 người bạn. Người thứ nhất có hơn 30 năm công tác, trong đó có 10 năm trong quân đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có Huân chương Kháng chiến hạng ba; thẻ BHYT mã số 2. Người thứ hai không có hưu trí, chỉ tham gia quân đội thời gian ngắn ở chiến tranh biên giới Tây Nam, không có huân chương, nhưng là thương binh 3/4 (42%), thẻ BHYT cũng mã số 2. Trường hợp của tôi có cả 2 người trên cộng lại: vừa 32 năm công tác trong quân đội, 22 năm chuyển ngành ra cơ quan nhà nước, hưởng hưu trí, có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba, thương binh loại A - hạng 3/4. Vậy tôi được hưởng BHYT như thế nào? (NGUYỄN TRẦN VĂN, quận 5, TPHCM)
° Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Nghị định số 105/2014 ngày 15-11-2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Trường hợp ông là người đang hưởng lương hưu, được hưởng quyền lợi BHYT mức 3 - Quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT. Đồng thời, ông là thương binh loại A và có Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba - thuộc đối tượng người có công với cách mạng, được hưởng quyền lợi BHYT mức 2 - Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT. Như vậy, thẻ BHYT của ông được cấp theo nhóm đối tượng người đang hưởng lương hưu và được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng người có công với cách mạng, thẻ BHYT có mã quyền lợi hưởng là mức 2. Hiện nay, Nhà nước không có quy định gộp chung quyền lợi hưởng của các đối tượng mà chỉ được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng nào có quyền lợi cao nhất.