Trong 80 năm cuộc đời, ông có 40 năm tròn sống và làm việc ở Nhật Bản. Năm 2002, ông trở về Việt Nam và định cư tại TPHCM. Kể từ khi về nước, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô được coi là nhà khoa học đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam.
Trong lời tựa, tác giả chia sẻ: “Nhân tiêu đề phụ của tập tự truyện này vốn là hành trình từ điện tử đến vi mạch, cho nên tất cả những chi tiết nào, mặc dầu có thể là rất quan trọng đối với đời tư của cá nhân tôi, nhưng tự nó không trực tiếp liên quan đến những từ khóa “điện tử” hoặc “vi mạch”, thì đều bị lược bỏ, hoặc không đề cập đến”.
Trên tinh thần đó, cuốn sách được Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Lương Mô viết thành 7 chương theo dòng hồi ức vô cùng sống động. Đó là hành trình của chàng sinh viên Đặng Lương Mô từ khi sang Nhật học, vào Trường Đại học đại cương Komaba, lên cơ sở chính Hongo thuộc Đại học Tokyo. Sau đó đi làm cho Tập đoàn Toshiba; về nước rồi lại qua Nhật bắt đầu chặng đường nghiên cứu, phát triển vi mạch với mô hình MOS mức 3 trong bộ mô phỏng SPICE và nhậm chức giáo sư thực thụ Đại học Hosei…
Đó là nhiều lần nhập viện do tai nạn xe đạp liên tục, do những cơn nhồi máu cơ tim trong một cơ thể bẩm sinh yếu đuối và một “trải nghiệm cận tử” trong đời. Đó là ký ức về những người thầy bậc tiểu học, đệ nhất cấp, đệ nhị cấp tại Việt Nam; là ân sư Yanai Hisayoshi và ân nhân Hozumi Goichi người Nhật đã in sâu vào tâm khảm chàng sinh viên Đặng Lương Mô… Trên hành trình về lại quê nhà và hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam, GS-TS Đặng Lương Mô cho rằng bản thân ông đã hạnh ngộ với công nghệ vi mạch tại TPHCM và với Xưởng cực tiểu (Minimal Fab), một công nghệ chế tạo vi mạch bán dẫn hoàn toàn mới mẻ…
Đọc tác phẩm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, độc giả sẽ cảm nhận rõ, tất cả những kỷ niệm, những hồi ức… đều đọng lại thành lời tri ân của một người thầy đối với những bậc thầy trong trường học và trường đời trên hành trình vi mạch của GS-TS Đặng Lương Mô.