Chiều 17-8, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết, những ngày qua cả huyện tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhằm sớm đẩy lùi Covid-19 để trở lại cuộc sống bình thường. Để nhiệm vụ chống dịch thành công, ngoài việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc thì rất cần sự chung sức, đóng góp của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị…
Tình nguyện hỗ trợ khách sạn
Những ngày đầu tháng 8-2021, huyện Phong Điền lên kế hoạch truy vết, xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng nhằm loại F0 ra khỏi cộng đồng, để thuận lợi cho việc khoanh vùng dập dịch Covid-19 hiệu quả. Với chiến dịch truy vết rộng khắp này, huyện phải nhờ sự chi viện từ các đơn vị chuyên môn ở TP Cần Thơ, các trường đại học… giúp sức. Thế là cả trăm nhân viên y tế và sinh viên tình nguyện từ trung tâm TP Cần Thơ đã vào huyện sinh thái Phong Điền làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Lãnh đạo huyện rất mừng, nhưng cũng rất lo về việc bố trí nơi ăn, nghỉ cho lượng người khá đông như vậy.
Trong lúc tính toán tìm nơi ở thì chủ khách sạn Huỳnh Thôn (quy mô 4 tầng, khá tiện nghi, nằm ngay trung tâm huyện Phong Điền) gọi điện cho lãnh đạo huyện “khách sạn có tới 28 phòng, hiện nay mùa dịch nên khách không bao nhiêu; nếu huyện cần thì có thể sử dụng cho lực lượng chống dịch ở miễn phí”.
Ngay lập tức, lãnh đạo huyện nhận lời và ngày 8-8, gần 100 người là những nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện… từ Cần Thơ đã vào “đóng quân” tại khách sạn 4 tầng của ông Huỳnh Thôn, để hỗ trợ huyện truy vết, tầm soát dịch Covid-19 trên diện rộng.
Sau khi đoàn vào khách sạn, cũng là lúc anh Huỳnh Quốc Trung (37 tuổi, con trai lớn của ông Huỳnh Thôn) đưa vợ con mình về quê ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tạm trú và yêu cầu ông Thôn (cha ruột, về nhà dưới bến đò Vàm Xáng ở) không lui tới khách sạn, bởi ông Thôn có nhiều bệnh nền, nên cần tránh chỗ đông người nhằm đề phòng lây nhiễm bệnh.
“Dịch Covid-19 quá nguy hiểm nên nói không sợ là không đúng. Tuy nhiên, nếu ai cũng sợ và không vào cuộc cùng ngành chức năng chống dịch thì biết đến khi nào TP Cần Thơ cũng như các nơi khác mới bình thường trở lại. Với mong muốn đóng góp “theo sức của mình”, nên gia đình tôi tình nguyện dành khách sạn 4 tầng cho lực lượng chống dịch ăn nghỉ…”, anh Trung bộc bạch.
Từ ngày 8-8, anh Trung cùng vài nhân viên khách sạn nhanh chóng thu gọn các chỗ trống để đoàn công tác chất những thiết bị y tế, đồ bảo hộ, khẩu trang… Còn toàn bộ 28 phòng nghỉ dù là miễn phí nhưng hàng ngày anh cùng nhân viên của mình phục vụ đoàn rất nhiệt tình từ việc thay mới chăn ga, gối nệm, phục vụ nước đá, bột giặt, kem đánh răng, văn phòng phẩm… cho đoàn. Ai cần gì, cứ alo là có ngay. Tất cả đều miễn phí. Chỉ riêng các bữa cơm thì UBND huyện lo cho đoàn.
Mất bạc triệu mỗi ngày mà… vẫn vui
Em Phạm Thị Tuyết Vân, sinh viên tình nguyện (hiện đang học Trường đại học Y dược Cần Thơ) tâm sự: “Trong đợt dịch lần này tụi em cũng đã đi làm nhiệm vụ ở một số nơi và đây là lần đầu tiên được nghỉ tại một khách sạn khang trang và được phục vụ chu đáo nhất”.
Tuyết Vân nói thêm: "Cứ sáng sớm là đoàn lên đường đi các vùng nông thôn để lấy mẫu test Covid, truy vết F0, tiêm ngừa vaccine… công việc khá căng thẳng, mệt mỏi; chưa kể nguy hiểm. Nhưng khi tối về được ngã lưng ở khách sạn tiện nghi, máy lạnh êm ru… khiến ai nấy nhẹ cả người. Đồng thời, sớm hồi phục sức khỏe để hôm sau tiếp tục công việc của mình''.
Theo anh Trương Thanh Tùng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ (người phụ trách đoàn) nhận xét: “Cả đoàn rất hài lòng với chỗ nghỉ của khách sạn Huỳnh Thôn, cũng như sự phục vụ chu đáo tại đây. Chỉ cần ai đề nghị cần thêm vật gì là anh Trung nhanh chóng chạy đi mua ngay cho đoàn. Điều này làm chúng tôi rất quý và càng thấy trách nhiệm hơn trong công tác phòng, chống dịch…”.
Anh Huỳnh Quốc Trung cho biết thêm, với số lượng đoàn gần 100 người như vậy, nếu tính riêng chi phí tiền phòng mỗi ngày cũng tầm khoảng 7- 8 triệu đồng. Song, khách sạn Huỳnh Thôn không hề tính đồng nào mà còn phải bỏ ra thêm hơn 3 triệu đồng mỗi ngày để trả các chi phí điện, nước, nhân công… Tuy mất toàn bộ thu nhập từ ngày 8-8 đến nay và còn kéo dài thêm nhiều ngày nửa, nhưng gia đình vẫn vui bởi những đóng góp thiệt thực cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh.
“Một khi dịch bệnh đi qua, công việc kinh doanh sẽ trở lại bình thường. Ngược lại nếu dịch cứ kéo dài thì không chỉ bà con nghèo gặp khó, mà cả những cơ sở kinh doanh cũng gặp khó khăn”, anh Trung tâm sự.
Theo ông Huỳnh Thôn, gia đình không chỉ dành cả khách sạn 4 tầng phục vụ cho công tác phòng chống dịch, mà nhiều ngày qua cũng nỗ lực duy trì bến đò Vàm Xáng (thị trấn Phong Điền) để phục vụ bà con đi lại khám chữa bệnh, mua nhu yếu phẩm, ngành chức năng đi lại phòng chống dịch và cán bộ xã Nhơn Nghĩa (do UBND xã nằm bên kia sông) đi làm việc hàng ngày.
“Sau khi TP Cần Thơ và các địa phương xung quanh thực hiện giãn cách xã hội thì rất nhiều người dân hạn chế ra đường, nên bến đò Vàm Xáng gần như mất hết doanh thu. Thời gian qua dù lỗ bạc triệu mỗi ngày, nhưng vẫn phải hoạt động để thỉnh thoảng phục vụ lực lượng phòng, chống dịch, cán bộ đi làm việc ở xã Nhơn Nghĩa và một vài người dân đi khám chữa bệnh…”, ông Thôn nói.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Trung Nghĩa cho rằng, không phải đến bây giờ mà nhiều năm qua ông Huỳnh Thôn là người rất tích cực tham gia làm công tác xã hội với địa phương. Nay tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Thôn vẫn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhiệt tình theo khả năng của mình. Đây là tấm gương rất đáng trân quý…