>> Video Người dân làng Đại An Khê hối hả gói nấu bánh chưng, bánh tét mặt trăng phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ
Len lỏi trong tiết trời vào Xuân ở làng Đại An Khê là những làn khói tỏa ra từ các căn bếp đang đỏ lửa để kịp đưa đơn bánh cho khách hàng trên mọi miền Tổ quốc. Cả làng, từ cụ bà, lão ông, người lớn tuổi đến phụ nữ, thanh niên trai tráng, ai ai cũng bận rộn. Người vo nếp, lau lá, làm nhân, người thì gói bánh, đóng hàng...
Bà Trần Thị Thúy (65 tuổi, trú ở thôn Đại An Khê) cho biết, làng Đại An Khê nổi tiếng với biệt danh “vựa bánh”, xứ sở cung cấp các loại bánh truyền thống. Đặc biệt, một loại bánh mang đậm nét đặc sắc mộc mạc, giản dị của làng quê với cái tên độc đáo - bánh tét mặt trăng.
Tết đến Xuân về tại nhiều làng quê ở Việt Nam đều gói bánh chưng, bánh tét. Nhưng ở làng Đại An Khê dịp Tết Ất Tỵ này người dân trong làng phải làm việc cả ngày lẫn đêm để đảm bảo cho các đơn hàng bánh Tét mặt trăng được giao đi khắp các tỉnh thành trên đất nước, thậm chí là xuất khẩu đi nước ngoài.
Bánh tét mặt trăng khi hoàn thành có màu xanh với hình dạng như mặt trăng bị khuyết. Để tạo ra chiếc bánh tét mặt trăng khác biệt ấy, người dân giã lá rau ngót, rồi lấy nước ngâm với gạo nếp thơm. Sau khi ngâm với nước lá này, nếp sẽ có màu xanh. Tiếp đó, lựa loại lá chuối không già, không non để gói, bên trong bánh có phần nhân gồm thịt mỡ và đậu xanh.
"Bánh sau khi gói, sẽ được nấu bằng củi trong nhiều giờ liền để cho bánh chín nhừ. Sau đó, bánh vớt ra để khô nước rồi mới hút chân không để bảo đảm rồi mới gửi đi khắp mọi miền Tổ quốc theo từng đơn hàng”, bà Thúy chia sẻ.
Để tạo ra khuôn hình lát bánh tét có hình bán nguyệt, sau công đoạn gói bánh, khi nấu người ta dùng hai đòn bánh tét kẹp cặp lại với nhau. Hai lát bánh xếp lại có hình tròn rất đẹp, tượng trưng cho mặt trăng tròn trịa, có đôi, có cặp, hòa hợp, hạnh phúc, mang nhiều ý nghĩa tốt lành trong năm mới.
Ông Trần Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng cho biết, ước tính người dân làng Đại An Khê sử dụng khoảng 256 tấn gạo nếp và nhiều nguyên liệu khác để gói bánh chưng, bánh tét phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mang về nguồn thu khoảng 11,5 - 12 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động những ngày cận tết.
Năm nay, đơn hàng nhiều nên nhà nào cũng tranh thủ dự trữ thêm lá chuối, lá dong, nếp, đậu xanh, thịt heo… Nhiều nhà trong làng còn mua sắm cả nồi điện, máy hút chân không, thuê người làm mới mong kịp đơn hàng cho khách. Cùng với đó, nhờ áp dụng các phương thức buôn bán hiện đại, bánh tét mặt trăng làng Đại An Khê đã vươn xa, có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Người dân nơi đây cũng tích cực sử dụng các trang mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, đưa bánh tét mặt trăng tiếp cận rộng rãi với khách hàng trên mọi miền Tổ quốc.