Những tiếp viên tử tế
Những năm gần đây, có nhiều xe buýt mới đưa vào hoạt động, thế nhưng chiếc xe buýt tuyến số 10 (Đại học Quốc gia - Bến xe miền Tây) mà chúng tôi đi rất cũ kỹ, mọi vật dụng đều đã ngả màu, những chiếc ghế rách toang và những chiếc móc vịn để đứng cũng đã đứt gần hết.
Không gian chật chội, hành khách chen chúc nhưng máy lạnh chỉ hoạt động chiếu lệ, không đủ thông thoáng, làm ai nấy mướt mồ hôi. Tuy vậy, hành khách cũng thấy vui, trên xe chẳng mấy khi ngớt tiếng cười, do xe này có một anh tiếp viên vui tính.
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng cách nói chuyện khá có duyên, thân thiện với hành khách như là người bạn thân quen. Anh cũng ân cần xách đồ đạc giúp mọi người và đỡ những người già lên xuống xe.
Khi chiếc xe buýt tuyến 104 (Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm TPHCM) đi ngang qua Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có 2 cha con bước lên xe. Người cha có vẻ đang rất giận dữ, cứ la mắng cô con gái nhỏ ngay trên xe buýt. Ngay lúc đấy chú Liên (tiếp viên trên xe) liền bước đến hỏi chuyện.
Người cha than phiền rằng con gái mình bị chứng tăng động, thường xuyên đuổi đánh bố và đập phá các đồ đạc trong nhà. Chú tiếp viên ôn tồn khuyên nhủ đừng mắng đứa trẻ, vì đó chỉ là do cháu bị bệnh. Nghe cách chú nói chuyện, có thể cảm nhận đó là một người tử tế, lịch sự và thương yêu trẻ em.
Mà thật vậy, lát sau có một phụ nữ lên xe đưa ra tờ 500.000 đồng để mua vé, còn nói sẳng giọng: “Tui không có tiền lẻ”. Lẽ ra cau có, bực mình, thì chú tiếp viên trả lời thật nhẹ nhàng: “Tui chẳng có đủ tiền lẻ để thối. Cô vui lòng hỏi hành khách trên xe có ai đổi giúp không nha”.
Việc đứng bán vé trên xe buýt cả ngày rất mệt mỏi, vất vả, giữ được sự vui vẻ, điềm đạm như 2 người tiếp viên vừa kể không phải là dễ. Nhưng nếu tiếp viên khó chịu, cộc cằn với hành khách trên xe thì càng làm cho tình trạng tệ thêm, mệt mỏi thêm mà thôi.
Còn những chuyện chưa ổn
Trên chuyến xe buýt tuyến 14 (Bến xe miền Đông - Bến xe miền Tây), chúng tôi gặp bạn Thanh Hương (sinh viên Đại học Nông Lâm TPHCM) là một người thường xuyên đi lại bằng xe buýt từ những năm đầu đại học.
Hương kể: “Mình đã có 4 năm đi xe buýt, chứng kiến nhiều chuyện vui buồn trên xe. Chuyện vui là gặp được tiếp viên tận tình chỉ đường, hay ân cần giúp mình xách đồ đạc lên xuống xe. Còn chuyện buồn là có khi bị tiếp viên la, tài xế mắng vì lý do không đâu, hoặc khi gặp phải kẻ biến thái, sàm sỡ. Còn chuyện hành khách bị móc túi thì mình chứng kiến vô số lần. Tầm 5 giờ chiều, xe buýt nào cũng rất đông, người chen chúc, nên kẻ gian rất dễ trà trộn vào để móc túi”.
Chúng tôi cũng đã chứng kiến một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) khóc nức nở trên chuyến xe buýt tuyến 145, vì khi chen chúc trên xe đã bị trộm móc mất điện thoại lúc nào không hay biết.
Đang đứng đợi ở trạm chờ thì xe buýt tuyến số 55 ghé vào, có một phụ nữ tầm 50 tuổi bước xuống, chân chưa kịp chạm đất thì cửa xe đã đóng vội và xe di chuyển làm bà ngã xuống lề đường.
Chị Thu Hiền đang đứng ở đây liền chạy đến đỡ người phụ nữ ấy rồi nói: “Những trường hợp như thế này tôi đã gặp khá nhiều rồi, nhiều hành khách bị tiếp viên la, hối bước xuống xe nhanh để xe còn đi. Có nhiều khi đường đông, xe buýt chẳng thể tấp vô trạm, tài xế dừng xe ngay giữa đường bảo hành khách xuống, rất nguy hiểm”.
Hơn 6 giờ chiều, chúng tôi kết thúc chuyến hành trình bằng chiếc xe buýt tuyến số 44 (Cảng quận 4 - Bình Quới). Chiếc xe rất nhỏ, chỉ có một cửa nên người lên, người xuống chen lấn nhau khá bất tiện. Những chiếc ghế ọp ẹp, xếp san sát nhau, rất chật chội. Bóng đèn trên xe mờ mờ, chẳng đủ thấy rõ mặt ai. Máy lạnh không đủ mát.
Khi xe đi ngang qua đường Lý Tự Trọng (quận 1), vì đoạn đường này đang kẹt cứng, tài xế rẽ hướng qua một tuyến đường khác để cho kịp về bến nhưng lại không thông báo cho hành khách trên xe, do vậy, một vài hành khách bị đi quá điểm dừng, phải xuống xe để đón xe ôm quay trở lại, nhưng cũng không nhận được một lời xin lỗi của tài xế hay tiếp viên.
Để xe buýt có thể trở thành phương tiện vận tải hành khách công cộng đáng tin dùng, còn rất nhiều việc phải làm, từ nâng cấp phương tiện, bảo đảm an toàn và cải thiện cách phục vụ hành khách, xây dựng văn hóa ứng xử khi đi xe buýt, tổ chức hoạt động và lộ trình khoa học hơn. Được như thế thì mới có thể khuyến khích người dân “Nào! Chúng ta cùng buýt!” như mong muốn.