Ngày nào cũng ăn phở chán chết! Lời nói nghe y như chê bai phở, nhưng một tháng anh ấy ăn phở ở quán đó hết… 25 ngày!
Yêu phở không chỉ anh bạn tôi, mà có hàng chục triệu người Việt trên đất nước này yêu phở. Phở ngon, bổ dưỡng, dễ ăn, hợp với mọi lứa tuổi nên nhiều người yêu thích là lẽ bình thường. Nó là món ăn quốc hồn, quốc túy, đặc sản chính gốc Việt Nam. Nó có mặt trên từng cây số. Phở gánh bình dân ở hẻm phố, khách ăn ngồi chồm hổm húp sì sụp. Phở vào quán ăn trung lưu, chễm chệ vào nhà hàng cao cấp và còn bay xa đi khắp thế giới. Ở tận chân trời góc biển xa lạ, nếu có người Việt, thì chắc chắn có quán phở Việt.
Phở được vinh danh trong văn học phải kể là tùy bút “Phở” của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông viết: “Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại. Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khỏe”.
Tùy bút này đã cho người đọc thấy cái tài viết của Nguyễn Tuân, nhưng nếu không có cái ngon kỳ diệu của phở, thì Nguyễn Tuân có tâng bốc cách mấy cũng không có áng văn kỳ tài. Nhiều nhà văn nổi tiếng đã viết về phở, nhiều nhà nghiên cứu đã công phu sưu tầm nghiên cứu chỉ một đề tài phở. Phở không chỉ còn là món ăn mà còn là một phần của văn hóa Việt. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “Ít lâu nay, chúng ta hay nói đến thực tế Việt Nam, đến vấn đề thực tiễn Việt Nam, đến những đặc tính của Việt Nam trong mọi điều kiện chuyển mình tiến lên. Tôi thấy rằng trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt Nam, có một cái thực tế mà hàng ngày ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy lồng vào trong những cái thực tế”.
Hà Nội có nhiều hiệu phở nổi tiếng như phở Bát Đàn, Lý Quốc Sư, Thìn… Ở Sài Gòn có phở Hòa, Lệ, Dậu, 24, Phú Gia, Dũng… và dày đặc các thương hiệu phở nổi tiếng khác. Mỗi nhà mỗi cách nấu, một hương vị khác nhau, nhưng ăn là biết phở, món ăn có nguồn gốc chung hai chữ Việt Nam.
Phở không chỉ sống trong lòng người dân Việt mà còn là “đại sứ” món ăn Việt ra thế giới. Nói về món ăn đặc sản Việt Nam, hầu như người nước ngoài nào cũng nghĩ ngay đến phở. Tờ báo Times mới đây đã thống kê phở là 1 trong 10 món ăn có lợi nhất thế giới.
Nghe đâu ngày 12-12, tới đây một tờ báo sẽ cùng Công ty CP Acecook Việt Nam sẽ tổ chức Ngày của phở với các hoạt động hội thảo, triển lãm chuyên đề tại White Palace (TPHCM), với mong muốn đây là hoạt động góp phần tôn vinh phở - một biểu trưng của ẩm thực Việt, văn hóa Việt và hướng đến ngày 12-12 hàng năm sẽ là Ngày Phở Việt Nam. Ngày đó sẽ là một ngày hội du lịch văn hóa với nhiều hoạt động tôn vinh phở.