1. Trong mắt tôi và cả nhiều người, anh Thanh (ngụ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức, TPHCM) là người con có hiếu và thương yêu mẹ hết mực. Hơn 10 năm trước, từ Ninh Bình, anh vào TPHCM học tập rồi ở lại lập nghiệp. Khi cuộc sống dần ổn định, anh quyết định về quê đón mẹ vào ở cùng. Bố mất sớm, sau anh còn có một người em trai nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, là anh cả nên anh Thanh muốn mình có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ. Ban đầu, mẹ anh không đồng ý, nhưng rồi trước sự thuyết phục của con trai, bà mới chịu xa quê.
Nhờ chăm chỉ và chịu khó, anh Thanh dần tạo lập cho mình một sự nghiệp vững vàng, bắt đầu tính đến chuyện mua nhà, cưới vợ. Trong bất kỳ sự kiện lớn hay nhỏ trong cuộc sống, anh đều có mẹ ở bên chia sẻ. Đặc biệt, lúc vợ chồng anh sinh con thì cũng chính mẹ anh là người đỡ đần, từ việc thay tã, bón sữa cho đến thuốc thang mỗi khi các cháu bệnh. Việc trông con đã có mẹ hỗ trợ nên vợ chồng anh càng có thời gian tập trung cho công việc. Anh biết ơn mẹ vì điều này nên vẫn luôn kính trọng và yêu thương mẹ, kể cả khi mẹ anh có nhu cầu về một món đồ nào đó đắt tiền, anh cũng không tiếc, miễn sao được nhìn thấy mẹ vui.
Mọi việc đang yên lành như vậy, thì mới đây, anh Thanh kể với tôi, hai hôm trước, mẹ anh bỗng nhiên đòi ở riêng. Anh hỏi thì bà bảo, muốn được sống thoải mái, không phải vướng bận gì nữa. Theo chia sẻ của anh Thanh, vợ chồng anh sống cùng mẹ gần 10 năm, nhưng chưa hề nảy sinh chuyện cãi vã. Vợ anh cũng biết hoàn cảnh gia đình anh từ trước nên khi lấy nhau về, cũng yêu thương mẹ anh không khác gì mẹ đẻ. Con gái đầu của vợ chồng anh giờ cũng đã 6 tuổi, bé thứ hai tròn 2 tuổi, đều có thể thu xếp, nhưng vướng mắc lớn nhất trong lòng vợ chồng anh là không hiểu mình đã làm gì khiến mẹ phật lòng, đòi ra ở riêng.
2. Cũng đang ở trong tình trạng dở khóc dở cười là trường hợp của chị bạn tôi khi bố chồng bỗng nhiên đòi ăn riêng. Chị kể, chị là dâu út trong nhà có bốn chị em, anh Khoa, chồng chị là con út và cũng là con trai duy nhất. Vậy nên, khi mẹ mất, mấy chị em anh Khoa cùng bàn bạc và đi đến thống nhất việc bán nhà ở quê, đưa bố vào TPHCM sống cùng vợ chồng chị. Hàng tháng, ba chị gái đều gửi một số tiền nhất định để cùng vợ chồng chị phụng dưỡng bố, khi nào thu xếp được thời gian thì đến thăm, hoặc đến chở bố về nhà mình chơi ít ngày.
Thấm thoát vậy mà cũng được hơn bốn năm vợ chồng chị sống cùng bố. Thời gian sống cùng ông, vợ chồng anh chị không gặp phải bất cứ trở ngại, hay bất hòa gì. Mối quan hệ giữa vợ chồng chị với bố chồng cũng như với các chị gái đều êm đẹp. Thế rồi không hiểu sao bố chồng chị đòi được ăn riêng. Chị kể: “Bình thường, dù bận rộn đến mấy, chị cũng lo cơm nước đầy đủ. Hơn bốn năm qua, ông cụ cũng không có lời phàn nàn gì về chuyện ăn uống. Giờ ông bất ngờ đòi ăn riêng, em xem, ông cụ cũng gần 70 tuổi rồi, làm sao chị yên tâm để ông vào bếp. Anh Khoa cũng đang rối”.
Còn một lý do nữa khiến chị bạn tôi không khỏi lo lắng, đó là sợ ba chị gái của chồng biết chuyện, sẽ có những hiểu lầm không đáng có. Nhưng để có cách giải quyết thì hai vợ chồng chị đều chưa tìm ra. Nấu cơm ra thì ông cụ không ăn, mà nhìn ông lúi húi nấu nướng trong bếp, chị lại không đành lòng.
3. Dù đã cố công tìm hiểu, nhưng rốt cuộc, vợ chồng anh Thanh vẫn không tìm ra lý do thực sự khiến mẹ mình đòi ra ở riêng. Cũng may, vợ chồng anh có một căn hộ cho thuê ở gần nhà, dù chưa hết hợp đồng nhưng vào tình thế này, anh Thanh đành chấp nhận đền hợp đồng rồi đưa mẹ sang đó ở. “Dù thực sự không muốn nhưng vợ chồng anh cũng đành nương theo ý mẹ. Rồi cách vài ngày, hai vợ chồng lại phân công chạy sang coi tình hình của bà thế nào”, anh Thanh kể.
Với hoàn cảnh của chị bạn tôi, sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng hai vợ chồng quyết định trao đổi cùng các chị gái. Chị bạn tôi kể, ban đầu, ba người chị cũng có phần bất ngờ, nhưng rồi hiểu được tâm tính của người già, mọi người đều thông cảm và chia sẻ với vợ chồng chị. Chị cho biết: “Mấy chị em cùng thống nhất với nhau để bố được tự do, thoải mái ăn uống, nhưng vợ chồng chị sẽ có sự giám sát kỹ lưỡng, đề phòng những bất trắc có thể xảy ra”.
Có một đúc kết rằng, “người già với trẻ con là một”, cùng với sự khó tính, hay xét nét là những tính cách không khác gì trẻ con, khiến con cháu “không biết đâu mà lần”. Điều này dường như là lẽ tất nhiên của những người bước vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Tâm tính thay đổi nên có thể sẽ gây nên những phiền toái, hay lo lắng, nhưng dẫu vậy, điều mà họ cần nhất vẫn là sự quan tâm, chăm sóc và thương yêu từ con cháu trong nhà. Hiểu được điều này cũng là một cách để sống chung với bố mẹ, ngay cả khi họ bỗng nhiên đổi tính.