
Đại diện Ngân hàng ACB cho biết, gói vay này được sự hưởng ứng của khách hàng, ngoài mức lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm cố định trong kỳ đầu tiên lên đến 5 năm, được linh hoạt trả nợ với số tiền nhỏ trong những năm đầu; mà còn do ngân hàng đã chủ động kết nối với các đối tác, chủ đầu tư để giới thiệu những phân khúc nhà ở phù hợp nhu cầu với từng đối tượng theo thu nhập hoặc số vốn đang có. ACB cũng cho biết, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác để triển khai gói tín dụng nhà ở chuyên sâu hơn theo hướng đồng hành cùng khách hàng như: tư vấn tài chính, tư vấn về pháp lý dự án, giới thiệu những dự án phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu của người vay.
Liên quan đến tín dụng nhà ở, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết, tín dụng nhà ở tại TPHCM đã tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2-2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TPHCM đạt 1,098 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 28% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 1,15% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cao hơn tốc độ tăng của tín dụng chung trên địa bàn TPHCM trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, tín dụng cho vay bất động sản tiêu dùng, cho vay mục đích để ở, để sử dụng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 66% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Tín dụng cho vay nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở thương mại; nhà ở khác…) đạt trên 600.000 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cuối năm và tăng 7,39% so với cùng kỳ.
Theo ông Lệnh, tín dụng nhà ở tăng tích cực góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi; đồng thời góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở. Đối với các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng bất động sản lĩnh vực tiêu dùng không chỉ bảo đảm hiệu quả tín dụng mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, người trẻ dưới 35 tuổi.