Các hoạt động đó được thực hiện theo hình thức gia đình, hoặc thông qua sự vận động của các nhóm hoạt động xã hội từ thiện, nhóm bạn bè. Có người góp công, có người góp của, có người góp cả công và của, có người “đứng mũi chịu sào” làm cầu nối những nhà hảo tâm với những cảnh đời khốn khó, rồi trực tiếp đi tìm hiểu, đi phát quà. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện, không có lợi ích cá nhân.
Có nhiều người làm việc thiện nguyện vì lòng trắc ẩn, thương người khi thấy có những người nghèo khổ, khó khăn, cơ nhỡ. Có người coi việc cho đi là niềm vui, là việc tích đức cho con cháu, có khi là để tự răn mình nên biết chia sẻ hơn, bớt tham sân si hơn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu trao quà tết cho những hộ nghèo trên địa bàn phường Long Bình, quận 9 trong dịp đón Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: KHOA LÝ
Cũng có nhiều người làm thiện nguyện để dạy cho con cháu tinh thần vì cộng đồng, biết yêu thương và san sẻ với người khác, nhất là những người còn khó khăn hơn mình, từ đó giúp con trẻ hiểu được giá trị của cuộc sống, biết sống nhân ái, nghĩa tình.
Sự chia sẻ của những tấm lòng nhân ái còn có ý nghĩa động viên những người nghèo, những người hoạn nạn vững tin vào điều tốt đẹp trong cuộc sống mà vươn lên mạnh mẽ để dần vượt qua nghịch cảnh, đồng thời ít nhiều lan tỏa một thái độ sống tốt đến với những người khác trong cộng đồng.
Thật cảm động khi gần đến giờ giao thừa chúng ta thấy có những người lặng lẽ đi từ phòng này sang phòng khác trong bệnh viện để tặng những bao lì xì đỏ kèm những lời chúc tốt đẹp đến các bệnh nhân đang còn điều trị.
Có những người dõi tìm trên phố đêm lạnh lẽo để tặng quà cho những người vô gia cư hay người lao động nghèo chưa về nhà đón tết. Thật đáng quý tấm lòng những người biết yêu thương, biết sẻ chia, biết gắn kết. Họ cho chúng ta thấy cuộc sống này đáng yêu hơn, vững niềm tin rằng những điều tốt đẹp vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống.