Sau một năm tái tạo những ký ức về “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp (1975-1986)” chương trình đã thu hút được 285.000 lượt du khách với hơn 2.000 trang ghi cảm tưởng trong hơn một chục cuốn sổ lưu niệm... Hình ảnh về một thời gian khó ấy giờ đây là biểu trưng cho sự kiên cường, nỗ lực vượt khó của đất nước và nhân dân Việt Nam.
“Bao cấp” - một thời bi tráng
Những hình ảnh về thời bao cấp đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ người dân Hà Nội trong suốt thời gian trưng bày. Thậm chí, ngay cả những người tổ chức hoạt động này cũng không ngờ đến một số lượng đông đảo khách tham quan như vậy.
Những ký ức về thời kỳ gian khó của đất nước đã hiện về cũng với những hiện vật thân thiết một thời. Trong “thời bao cấp” 1975-1986, cuộc sống hoàn toàn dựa trên sự phân phối của nhà nước từ gạo, thịt, vải vóc cho tới những mặt hàng thiết yếu như xe đạp, quạt, radio… thậm chí cả phiếu mua hàng cho đám cưới, đám tang. Chuyện thật như đùa song với gia đình ông Trần Thăng, khi đôi pin dành cho radio bị hết, vợ ông với tư cách là người được mua đài phải làm giấy ủy quyền thì cửa hàng mậu dịch mới bán phân phối!
Việc mua được một suất hàng Tết còn khó khăn hơn nhiều. Ông Ngô Đức Thịnh, 63 tuổi, GS.TS Dân tộc học, nhớ lại: Thời đó, hàng Tết được mua theo bìa gia đình gọi là “bìa mua hàng hộ gia đình nội thành” được tính theo số nhân khẩu mỗi hộ. Các mặt hàng thiết yếu như mứt, bóng bì, mì chính, hạt tiêu, bánh đa nem, chè, thuốc được cửa hàng bách hóa bán từ nửa tháng trước Tết. Người ta phải tốn rất nhiều thời gian để xếp hàng, thậm chí có người còn phải thức giấc vào lúc nửa đêm đem những viên gạch, đá hay nón rách có ghi tên để xếp hàng xí chỗ vậy mà cũng phải mất cả buổi mới xách được hàng về…
Nhưng là động lực đối với thế hệ trẻ
Để có được cái nhìn toàn diện và thẳng thắn về những bất hợp lý của cơ chế “thời bao cấp”… là việc không đơn giản. Tuy nhiên, với rất nhiều tâm huyết, các nhà tổ chức đã thành công khi tái hiện một cách trung thực những năm tháng gian khó của đất nước và nhân dân. Chính vì vậy, sau một năm trưng bày, “Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp” vẫn luôn là tâm điểm thu hút của du khách khi đến với Bảo tàng Dân tộc học. Không dừng lại ở đó, câu chuyện của một thời “bơ phờ như mất sổ gạo” đã trở thành động lực học tập, lao động của nhiều thế hệ trẻ.
Nguyễn Việt Toàn, học sinh Trường Lê Quý Đôn đã viết trong sổ lưu bút: “Cuộc sống thị trường quá sôi động đã cuốn trôi đi theo nó tất cả mọi sự ồn ào. Nhưng ở một chỗ nào đó, một thời điểm nào đó vẫn có những khoảng lặng của thời kỳ bao cấp. Tôi tự cảm thấy mình sống phải có trách nhiệm hơn với xã hội, với những người xung quanh”.
Nhờ cuộc triển lãm này, Việt Toàn mới hình dung được một thời mà bố mẹ cậu đã trải qua cuộc sống gian khổ, vất vả và thiếu thốn như vậy. Người ta luôn biết cách xoay xở và tìm mọi cách để tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống với việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi lợn gà, trồng rau, đan lát, thêu thùa…
“Chính trong thời gian khó ấy, chúng tôi mới thật sự thấm thía hết những tình cảm gia đình. Sự hy sinh hết lòng của ông bà, cha mẹ cho con cháu khiến thế hệ chúng tôi luôn cảm thấy mình đang mắc những món nợ rất lớn. Muốn trả được món nợ cho gia đình và xã hội, không có cách nào khác hơn là phải vượt lên mọi hoàn cảnh để làm giàu một cách chính đáng”- Nguyễn Hồng Linh, 34 tuổi, tâm sự.
Không chỉ với người Việt Nam mà đối với nhiều du khách nước ngoài, cuộc sống Hà Nội thời bao cấp cũng tạo ra nhiều ấn tượng vô cùng đặc biệt. Aluki Amiai, một du khách nước ngoài, đã viết: “Triển lãm thật sự xúc động. Tôi đã biết được rất nhiều điều về những khó khăn khủng khiếp mà dân tộc các bạn đã trải qua. Nhiều lần tôi thấy mình trào nước mắt. Hy vọng sự tiến bộ “tích cực” sẽ tiếp tục trên đất nước tươi đẹp này”. Cùng chung quan điểm này, du khách Walter người Mỹ đã viết: “Độ trung thực và thẳng thắn của triển lãm cho tôi biết rằng Việt Nam là một quốc gia rất trung thực và hùng cường, tự tin vào bản thân mình”.
Thu Hà