Một mũi tên trúng hai đích

Từ ngày 1-7-2024, Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (trong đó trọng tâm là xác thực sinh trắc học) chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống.

Ngày đầu tiên vận hành, hệ thống giao dịch trực tuyến của một số ngân hàng đã gặp một số trục trặc nhỏ do quá tải hệ thống, song đến nay toàn bộ hệ thống đều đã vận hành suôn sẻ, cùng với đó là số lượng giao dịch chuyển tiền cũng tăng lên. Theo thống kê của NHNN, đến hết ngày 3-7, toàn hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng là 23 triệu giao dịch, trong đó có 1,9 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm 8,3%, cao hơn mức bình quân 8% của tháng 6-2024. Điều quan trọng hơn, người dân đa số đều hài lòng về dịch vụ khi nhận thức được việc áp dụng sinh trắc học là “tấm khiên” để bảo vệ tài sản cho mình.

Câu chuyện ứng dụng sinh trắc học trong hệ thống giao dịch trực tuyến của ngân hàng không mới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện. Tại Việt Nam, từ nhiều năm trước, giải pháp ứng dụng sinh trắc học cũng đã được đề cập đến song chưa thể thực hiện được. Có thể nói, việc ứng dụng sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền hệ thống liên ngân hàng có ý nghĩa như “một mũi tên trúng hai đích”.

Thứ nhất, ở góc độ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng, sinh trắc học sẽ là “tấm khiên” để bảo vệ tài sản chính họ. Nhờ ứng dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, giải pháp xác thực sinh trắc học có khả năng phát hiện và loại bỏ hàng triệu trường hợp giả mạo tinh vi từ mặt nạ 2D, mặt nạ silicon, video deepfake đến kỹ thuật cắt ghép, hóa trang.

Đại diện NHNN cho biết, khi ứng dụng sinh trắc học, trong trường hợp kẻ gian lấy được thông tin khách hàng để lừa đảo thì không thể chuyển tiền được, bởi ngân hàng không chỉ yêu cầu về OTP mà còn bắt buộc phải xác thực khuôn mặt. Do kẻ gian không thể xác thực khuôn mặt nên không thể so sánh với khuôn mặt trên hồ sơ gốc của ngân hàng, chính vì thế không thể thực hiện được lệnh chuyển tiền. Như vậy, xác thực sinh trắc học khách hàng đang được xem là giải pháp công nghệ bảo vệ cho khách hàng tốt nhất.

Thứ hai, ở góc độ cơ quan quản lý, giải pháp sinh trắc học sẽ giúp cơ quan chức năng truy vết được dòng tiền. Tại hội thảo do NHNN tổ chức ngày 4-7, một chuyên gia công nghệ của Bộ Công an cho biết, khi tội phạm cần “rửa” tiền bẩn thông qua hệ thống tài chính, chúng sẽ sử dụng một số phương pháp để cố gắng tránh bị phát hiện. Đầu tiên là tiếp quản tài khoản. Họ có thể đã có quyền truy cập vào tài khoản của người thật theo một số cách, chẳng hạn như bẻ khóa thông tin xác thực, lừa đảo hoặc phần mềm độc hại. Hay một thủ đoạn khác là thay vì chiếm đoạt một tài khoản hiện có, tội phạm sẽ tạo ra một tài khoản ngân hàng mới từ việc sử dụng dữ liệu bị đánh cắp như địa chỉ, số điện thoại hoặc hóa đơn tiện ích. Tội phạm sau đó có thể "rửa" tiền thông qua tài khoản mới này.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, số tiền được tội phạm “rửa” trên toàn cầu mỗi năm chiếm khoảng 2%-5% GDP của thế giới. Cùng với việc gia nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường lẫn các định chế quốc tế, Việt Nam cũng cam kết thực hiện các quy tắc, tiêu chuẩn chung mà các định chế quốc tế đưa ra với tư cách là một thành viên có trách nhiệm. Trong đó có cam kết về phòng chống “rửa” tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, việc ứng dụng giải pháp sinh trắc học trong hệ thống giao dịch ngân hàng, bên cạnh việc góp phần tạo ra một môi trường tài chính minh bạch, lành mạnh còn có ý nghĩa như là hành động cụ thể của Việt Nam trong thực hiện các cam kết với quốc tế.

Tin cùng chuyên mục