Một mốc son chói lọi!

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong chiến công chung của cả nước, Sài Gòn - Gia Định - TPHCM đã ngời sáng với những chiến công rất đỗi tự hào.
Một góc TPHCM hôm nay. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một góc TPHCM hôm nay. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chúng ta có thể nói gì về Sài Gòn - Gia Định trong những ngày lịch sử đó?

Là chiến trường trọng điểm trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã vượt qua những khó khăn chồng chất, chấp nhận những hy sinh to lớn và có những cống hiến xuất sắc.

Là máu thịt của đất nước, Sài Gòn - Gia Định cùng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đã đấu tranh kiên trung, bất khuất ở nơi đầu sóng ngọn gió, tự hào là nơi đi trước về sau trong 2 cuộc kháng chiến.

Là niềm tin của nhân dân, Sài Gòn - Gia Định hiên ngang nhận trọng trách đi đầu, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và đấu tranh trực diện với địch trên địa bàn đô thị. Toàn dân đấu tranh cùng với những đòn tiến công sắc bén của lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng biệt động, đánh thẳng vào những nơi hiểm yếu của địch.

Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, Sài Gòn - Gia Định đã chuẩn bị và phát triển lực lượng, chuẩn bị chiến trường, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng quân chủ lực, kết hợp tiến công và nổi dậy, tạo nên chiến thắng vĩ đại vào ngày 30-4: Giải phóng và tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn!

Chiến thắng 30-4 là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Càng tự hào hơn khi thành phố được mang tên Bác Hồ kính yêu. Mãi mãi tri ân các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào và chiến sĩ anh hùng của cả nước, của Sài Gòn - Gia Định.

Để đi tới ngày toàn thắng, quân dân cả nước, mà trực tiếp là đồng bào, chiến sĩ miền Nam đã trải qua những năm tháng khó khăn ác liệt, vượt qua những đau thương, tổn thất nặng nề, giữ gìn lực lượng để làm nên một phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam. Rồi bằng 4 chiến dịch lớn, tiến công vũ bão, thần tốc: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế,

Chiến dịch Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, một cuộc cách mạng khẳng định dân tộc ta có quyền và thật sự đã là một dân tộc tự do, độc lập. Trong thế kỷ XX, nếu như cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đánh bại chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ, gây chấn động thế giới, như là sự mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã đánh bại chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ; chứng minh với cả thế giới chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong thời đại mới.

Với Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã kết thúc cuộc trường chinh 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, ghi dấu ấn lịch sử sau 117 năm từ khi đế quốc Pháp xâm lược, đến lúc đất nước sạch bóng giặc ngoại xâm, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng 30-4 là một mốc son chói lọi, mốc son ấy và những giá trị lịch sử, những bài học quý báu từ lịch sử mãi cùng thành phố Hồ Chí Minh tiến lên phía trước.

Khẳng định và nâng tầm Việt Nam

Chiến thắng của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tác động mạnh mẽ tới phong trào cách mạng trên thế giới, khẳng định sức mạnh to lớn của phong trào ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh xâm lược của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước làm cho hình ảnh Việt Nam trong con mắt của bạn bè và vị thế của Việt Nam đã và đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Chiến thắng 30-4 thuộc về lịch sử, nhưng chiến thắng đó vẫn đang hiện hữu, khẳng định và nâng tầm của Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tin cùng chuyên mục