Một mình nuôi con...

Sinh con ra là mẹ, nhưng để nuôi dưỡng con cái nên người, trao cho con đầy đủ tình yêu thương và sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, thì cần thiết phải có sự quan tâm chăm sóc và giáo dục con cái của cả mẹ và cha. Thế nhưng trong xã hội, không phải người con trong gia đình nào cũng có được niềm hạnh phúc đủ đầy này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

“Nhiệm vụ” của vợ

Là cô gái quê nghèo, lấy được anh chồng người thành phố qua mai mối, nên trong cuộc sống gia đình, chị Tiên rất “biết thân biết phận”. Chị làm thợ may tại nhà, anh Hùng chồng chị làm công ty tư nhân. Vì tình thương dành cho anh nên mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình, chị Tiên đều quán xuyến hết.

Anh Hùng được vợ nuông chiều nên chẳng quan tâm gì chuyện gia đình, mọi việc nhà cửa anh thường phó mặc hết cho vợ. Hàng ngày, đi làm về, tắm rửa xong, anh đã có cơm canh nóng ấm, ngon lành đợi sẵn. Ăn uống xong, anh vô tư xem phim, chơi game, nhắn tin tán gẫu với bạn bè đến giờ thì đi ngủ. Khi thức dậy đã có bữa sáng vợ làm sẵn, anh ăn rồi đi làm.

Sau hơn 3 năm chung sống, chị Tiên có thai. Từ khi có thai đến lúc sinh con, mọi việc trong nhà vẫn do một tay chị lo liệu trước sau. Cận ngày sinh, mẹ chị từ Trà Vinh lên thành phố ở hẳn 6 tháng để chăm con, cháu.

Với em bé, từ khi ở bệnh viện đến về nhà, anh Hùng chưa một lần ẵm bồng hay ôm ấp. Hễ vợ hay mẹ vợ kêu anh bế con, anh viện đủ lý do: “Con nó nhỏ lắm, sợ bế rớt con”, “đang cảm, sợ lây cho con”, “người đang bẩn, sợ ẵm con không tốt”, “anh bận việc, để lát nữa bế sau”… Có đủ lý do để anh từ chối chuyện phụ vợ chăm sóc, cưng nựng con.

Mẹ chị Tiên về quê, chị vừa tủi thân vừa lo lắng không ai phụ chăm con nhỏ. Mẹ chị lại bảo: “Không sao đâu, có thằng Hùng bên cạnh, hai vợ chồng chia sẻ, phụ nhau chăm con, từ từ sẽ ổn”. Nhưng với anh Hùng, mẹ vợ rời đi, anh như trút gánh nặng tâm lý, vì nửa năm qua, anh chỉ mong ngày mọi sinh hoạt trong gia đình trở lại như cũ, nghĩa là, anh không phải “gồng mình” làm bất cứ việc gì trong nhà.

Một tháng, hai tháng, rồi một năm trôi qua, nếp nhà đã trở lại, chị Tiên cũng mệt mỏi nhiều hơn vì quần quật cả ngày, lại thêm chăm con nhỏ đến mất ăn mất ngủ. Chị tủi thân nhất là những lúc con ốm đau đều một mình chị tất tả đưa con đi bệnh viện. Con khó chịu, khóc quấy cả đêm cũng một mình chị thức trắng ôm ấp, dỗ con. Trong khi đó, anh Hùng vẫn vô tư, để mặc chị với mọi việc.

CN4 mai am.jpg
Sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương của cha mẹ luôn tạo niềm vui và hạnh phúc cho con trẻ, giúp các con trưởng thành và phát triển toàn diện. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Có những khi chị nhờ anh giúp chút việc nhà, phụ pha sữa, trông con cho chị nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn uống, anh lại khó chịu ra mặt. Có khi, anh còn trách chị ở nhà sung sướng trong khi anh bươn chải kiếm tiền nuôi gia đình, cả ngày mệt mỏi, mới một đứa mà chị chăm không xong, việc gì cũng đến tay anh…

Gia đình lục đục, vợ chồng chị Tiên “đấu khẩu” ngày một nhiều hơn, rồi chiến tranh lạnh kéo dài từ dăm bữa đến cả tuần. Sự uẩn ức càng dồn nén khi sức khỏe chị Tiên xuống dốc. Chị cảm thấy không còn đủ sức gánh vác tất thảy mọi việc trong ngoài, cả chuyện một mình chăm sóc, nuôi con. Trong quá khứ, chị từng nghĩ, anh sẽ cùng chị gánh vác những gian khó giữa cuộc sống còn bộn bề vất vả, nhưng thực tế không phải vậy.

Con của chúng ta

Sau một trận cãi vã kịch liệt, sáng hôm sau, anh Hùng thức dậy thấy nhà vắng tanh. Anh tìm quanh không thấy vợ đâu. Trên bàn ăn, chỉ có một lá đơn xin ly hôn được đặt trên bàn với cây bút bên cạnh. Anh lặng người!

Chị Thu Vân (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ về việc chị sinh con, anh Thông chồng chị cũng hay viện ba điều bốn chuyện để từ chối việc phụ giúp chăm sóc em bé. Anh ỷ y có mẹ vợ và chị vợ luôn ở kề bên lo cho chị và đứa bé. Chị giận nhưng không nói gì, ráng đợi con cứng cáp hơn một chút.

Rồi hôm đó, chị gọi anh vào phòng riêng, chị nói: “Với cách cư xử của anh, sau này con sẽ không đến gần anh, cũng không yêu thương anh, có khi là không thích anh, vì thiếu hơi ấm của cha từ nhỏ. Khi anh không gần gũi, chăm sóc, yêu thương con trẻ bằng hành động cụ thể, thì làm sao con cảm nhận được tình thương của anh. Em đã mang nặng đẻ đau, anh nên chia sẻ việc chăm con mới đúng, con là con của chúng ta...”.

Sau cuộc nói chuyện ấy, chồng chị Vân thay đổi hẳn. Anh dần quan tâm, tự nguyện lăn xả phụ giúp vợ nhiều việc, dù vẫn có mẹ và chị bên cạnh. Anh tập chơi với con, nói chuyện, đùa giỡn cùng bé, tập pha sữa, rửa bình, chọn mua và thay tã cho con... Chị Vân còn mừng vui hơn, khi giữa khuya con khóc, anh lập tức bật dậy bế con, làm mọi việc thật khẽ để chị không bị mất giấc ngủ, mất sức. Mẹ và chị vợ cũng nhận ra sự thay đổi của anh, giảm lại thời gian quấn quýt bên cháu nhỏ, dành khoảng không gian gia đình ấm áp cho hai vợ chồng chị và em bé.

Từ khi được làm cha, bản thân anh Thông cũng cảm nhận đời sống tinh thần của mình thay đổi hẳn, nhất là cảm xúc làm cha rất tuyệt vời. Mỗi ngày, đi làm về, anh thường sà ngay đến “thiên thần” nhỏ, để chỉ cần thấy nụ cười vô tư và ánh mắt của con gái cũng đủ giúp anh bớt mệt mỏi, tinh thần phấn chấn, cuộc sống tươi vui hơn.

Trong mỗi mái ấm gia đình, bất cứ đứa trẻ nào cũng mong muốn được vui sống hạnh phúc trong tình yêu thương và bảo bọc của cả cha và mẹ. Tình yêu thương đủ đầy, cảm xúc ấy sẽ giúp các con có sự trưởng thành toàn diện hơn. Vậy nên, chính sự yêu thương và sẻ chia, quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái của hai bậc phụ huynh trong gia đình là cầu nối vững chắc của tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái, giúp cuộc sống gia đình luôn tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc từ đó ngày một bền vững.

Tin cùng chuyên mục