Ngôi làng bên chân sóng
Hiếm có làng biển nào đẹp như thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Nằm cạnh khu đô thị Vạn Tường, với tuổi đời hàng trăm năm, nơi những cánh đồng hành tỏi xanh bát ngát, rạn san hô bên gành đá nhô ra biển. Nước biển nơi đây trong xanh như chính tên Thanh Thủy. Khí hậu ở làng quanh năm mát lạnh gió biển. Phía chân Gành Yến, gió rít hơi lạnh, từ đó hướng tầm mắt sẽ thấy đảo Lý Sơn.
Những ngư dân làng chài nói rằng, mùa này, gió Tây nổi nên những con thuyền “cuốn theo chiều gió” đến đảo Lý Sơn nhanh nhất. Cũng vì thế, khi đến đây, không gì thú vị hơn là được nghe những chuyện xưa, tích cũ khai phá vùng đất này để thấy mối liên hệ gần gũi của cư dân Thanh Thủy và đảo Lý Sơn.
Cụ Võ Vận (86 tuổi, Trưởng vạn làng Thanh Thủy) kể, dòng họ Võ của ông gốc từ đảo Lý Sơn, đến năm 1920, cha của cụ chèo ghe vào làng Thanh Thủy sinh sống, mở đất làm kinh tế. Những cư dân đến làng Thanh Thủy đầu tiên khi Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, có dòng họ Nguyễn, Huỳnh, Tiêu, Thái…
Ngày xưa, cư dân làng biển hành nghề trên những ghe bầu có 1 đến 3 buồm, dong ra đảo Lý Sơn để khai thác cá, tôm. Qua trao đổi, gặp gỡ, nhiều cư dân đảo Lý Sơn đưa người thân theo thuyền đến làng Thanh Thủy định cư, trong đó có cha cụ Vận.
Làng Thanh Thủy xưa kia là những ngọn núi, cánh rừng kéo ra tới biển. Cư dân chủ yếu trồng hành lá. Đến năm 1954, dân làng chuyển qua trồng hành củ giống như người dân trên đảo Lý Sơn. Rồi nhiều người dân Thanh Thủy ra đảo Lý Sơn làm thuê (trồng hành tỏi, gánh cát thuê, xếp đá bậc thang), khi dần biết nghề, quen việc thì quay về Thanh Thủy cũng xếp đá, làm hành tỏi.
Thiên nhiên ưu đãi cho làng Thanh Thủy, trong 2km từ gành Lăng Thanh Thủy đến mũi Phước Thiện (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) có bãi cát trắng. Cát ở đây khác với cát biển nhiều vùng lân cận, hạt to hơn, tuy không lớn như cát ở Lý Sơn, nhưng đủ để phủ đồng ruộng làm hành, tỏi.
Mỗi 3 năm một lần, chính quyền xã mới cho người dân đến lấy cát về thay ruộng. Trong thời gian này, cát lại tự bồi lên lấp hết những hố sâu do vết khai thác để lại.
Người dân sống lâu năm, không cho ai đến lấy cát khi chưa đủ thời hạn, mọi người cùng ra sức bảo vệ 2km cát biển quý giá này.
“Hiện nay có hơn 80% hộ dân thôn Thanh Thủy sống bằng nghề trồng hành. Hàng năm, diện tích gieo trồng hành tím ở đây khoảng 180ha, sản xuất 3 vụ, sản lượng đạt trên 1.800 tấn, thu nhập 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng mỗi năm nhờ nghề này”, cụ Vận khoe. Nơi đây, trở thành thủ phủ trồng hành tím lớn thứ 2 tại Quảng Ngãi, chỉ sau Lý Sơn.
Thôn Thanh Thủy có 4 xóm, trong đó có 3 xóm chuyên làm hành tím là xóm Hải Thạnh, Hải Yến, Hải Thuận. Còn xóm Hải Hòa chuyên nghề biển. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khu dân cư Hải Hòa, cho biết, nằm ở bãi ngang ven biển nên ngư dân không sắm thuyền to, máy lớn để đi Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng với tinh thần bám biển, phát triển kinh tế, nhiều ngư dân hành nghề câu đi thúng. Xóm có 50 thúng máy, 6 chiếc ghe và 120 thúng bơi, chủ yếu đánh bắt quanh đảo Lý Sơn.
Tiếng vọng của biển
Giống như đảo Lý Sơn, làng Thanh Thủy có Gành Yến nhô ra biển được cấu tạo từ những trầm tích núi đá, dung nham núi lửa. Theo TS Nguyễn Xuân Nam (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản), người tham gia nghiên cứu lập hồ sơ công nhận Công viên địa chất tỉnh Ninh Bình, Cao Bằng, Lý Sơn - Sa Huỳnh, Đắk Nông, chỉ ra rằng, thềm biển mài mòn vào đá núi lửa ở bãi biển Thanh Thủy được hình thành do sóng biển phá vỡ những tầng đá núi lửa có độ gắn kết yếu hơn, các thềm này thường lộ ra khi thủy triều rút. Những vách đá dựng đứng ở Gành Yến được hình thành trên đá núi lửa bazan có tuổi khoảng 1 triệu năm do tác động ngoại sinh, tạo nên cảnh quan đẹp.
Bản thân của Gành Yến chỉ là vịnh nhỏ, trông như cái “bể bơi” lớn, nước trong vắt, sóng êm. Thế nhưng, bãi biển này thật độc đáo, lộ ra toàn cuội sỏi đủ kích cỡ, nhưng thành phần duy nhất chỉ từ đá bazan. Suốt dọc bờ biển Việt Nam chủ yếu chỉ là bãi cát, một phần là vách đá, vì vậy sự có mặt của bãi biển cuội sỏi là hiếm thấy. Dân làng nhặt cuội sỏi làm tường chắn, đổ cát, sạn san hô làm thửa ruộng bậc thang trồng hành tỏi...
Bên những trầm tích địa chất, Thanh Thủy còn mang trong lòng dấu ấn văn hóa đậm nét, từ thời khai thiên lập địa. Tên Thanh Thủy có lẽ bắt nguồn từ một giếng Vương. Từ thời Chăm cổ, giếng Vương được xây dựng bằng những tảng đá ong vuông vức (đến nay vẫn tồn tại).
Cụ Võ Vận kể, đây là giếng nước đầu tiên ở làng. Những cư dân đời kế tiếp lại đào giếng. Đáng quý là khi đào xuống thì gặp tầng đất sét, lại có đá ong nổi nên nước mặn không xâm nhập, hình thành vùng quê trù phú. Giếng Vương ở Thanh Thủy và giếng Xó La ở đảo Lý Sơn là hai trong số những giếng nước do người Chăm để lại trên dọc dài mảnh đất miền Trung.
Thanh Thủy mới được nhiều người biết đến gần đây, khi những họa sĩ trẻ vẽ những bức tranh cổ động bảo tồn biển, đầy màu sắc trên mảng tường nhà, đã kéo du khách về ngày một đông. Làng Thanh Thủy vốn rất nhỏ nên chỉ đi dạo quanh khoảng vài giờ là hết, rồi lại gói ghém những thức quà từ biển như hành, tỏi, tôm cá mang về.
Hiện nay, làng Thanh Thủy, Gành Yến, nằm trong tuyến tham quan du lịch phía Bắc của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh với tên “Tiếng vọng của biển”, nơi những vách đá chơi vơi, tạo tác từ quá trình hoạt động núi lửa.