Một lễ kỷ niệm, ngàn chuyện tự hào

1. Giữa hàng trăm người đang nỗ lực tập luyện diễu hành chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên đường Lê Duẩn (quận 1, TPHCM), tối 24-4, có một người đàn ông khiến ai cũng phải ngoái nhìn. Đó là vận động viên cử tạ Lê Văn Công.

Y1e.jpg
Lực sĩ Lê Văn Công (giữa) và các vận động viên khuyết tật tham gia Khối diễu hành Văn hóa - Thể thao. Ảnh: CẨM TUYẾT

Sinh năm 1984, từ khi chào đời, Lê Văn Công đã mang đôi chân không lành lặn. Nhưng bằng tất cả nghị lực của mình, anh đã nhiều lần giành chiến thắng, mang về vinh quang cho thể thao người khuyết tật Việt Nam. Và hôm nay, “đôi chân” đặc biệt của anh đang đại diện cho ngành thể thao tham gia Khối Văn hóa - Thể thao, diễu hành trong sự kiện lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Không chỉ có một mình, bên cạnh anh còn có hai người bạn đồng hành cũng ngồi xe lăn, là những gương mặt tiêu biểu khác của thể thao thành phố. Ban đầu, anh không giấu được cảm giác hồi hộp, nhưng nhờ sự chỉ dẫn tận tình của huấn luyện viên và tinh thần đồng đội, tất cả đã nhanh chóng hòa vào nhịp bước chung của cả khối.

Anh Lê Văn Công chia sẻ rằng, mỗi buổi tập như một cuộc gặp gỡ và thử thách sự kiên trì của chính mình; cảm nhận niềm vinh dự khi được đại diện không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng những người không đầu hàng số phận để có mặt trong ngày đại lễ.

Trên sân tập, từng vòng xe của anh Lê Văn Công và những người bạn lăn đều theo nhịp trống, như lời hiệu triệu của mỗi trái tim đang hướng về ngày trọng đại của đất nước. Bánh xe lăn không chỉ in dấu trên mặt đất, mà còn in dấu vào trái tim những người đang quan sát, dõi theo. Nhìn anh, chúng tôi hiểu rằng, dẫu không trọn vẹn về thể chất, vẫn có thể vươn tới những đỉnh cao và mỗi người đều có thể “bước đi” bằng ý chí và khát vọng của trái tim.

Y4b.jpg
Các khối diễu hành tập luyện chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: CHÍ THẠCH

2. Chung một cảm xúc tự hào, ông Phạm Đình Môn (65 tuổi, Hội Cựu Thanh niên xung phong quận Tân Bình, TPHCM) hăng say luyện tập trong những ký ức hào hùng của quá khứ. Đến tận bây giờ, ông vẫn không thể nào quên những ngày ở tuổi 15 đã khoác áo thanh niên xung phong, góp sức nhỏ bé của mình giữa những năm tháng đạn bom khói lửa.

“Có đêm về, nửa đêm đang ngủ bỗng bị chuột rút, nhưng sáng hôm sau vẫn hào hứng xỏ giày, đến sân tập diễu hành từ sớm, không bỏ sót ngày nào, thích lắm”, ông Phạm Đình Môn hào hứng chia sẻ. Trên con đường Lê Duẩn (nơi sẽ diễn ra lễ kỷ niệm), từng bước chân của ông dù không còn nhanh nhẹn như xưa, nhưng đầy quyết tâm và dứt khoát.

Còn với Trần Dương Đình Nguyên, chàng sinh viên sinh năm 2006, lại mang đến cho chúng tôi một hình ảnh của một lớp trẻ tự hào vì được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Nở nụ cười tươi tắn, Nguyên tâm sự: “Ngày xưa, cha ông ta đã vững bước qua mưa bom, lửa đạn, đánh đổi cả xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Còn mình hôm nay, chỉ cần bước đều trên con đường hòa bình, ngắm nhìn đất nước tươi đẹp, thì có lý gì để mình nản lòng hay bỏ cuộc”.

Mỗi buổi tập với Nguyên không chỉ là những bước chân đều đặn, kỷ luật, mà còn là những câu chuyện mới để kể lại cho bạn bè trên lớp. Những người bạn ấy nghe kể rồi “ghen tị” trong sáng - không phải vì ai hơn ai, mà vì ai cũng muốn được trở thành, được chạm vào một phần trong dòng chảy thiêng liêng của ký ức dân tộc, một trải nghiệm vô giá trong quãng đời sinh viên.

3. Có mặt động viên các khối diễu hành, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến toàn thể những lực lượng tham gia. Các anh chị em đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và tình cảm cho chương trình. Đây không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật - một bộ phim hay một tiết mục biểu diễn - mà còn là sự kết tinh của tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó giữa các nghệ sĩ, ê kíp sản xuất, báo chí truyền thông... để có một sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc đến với đồng bào cả nước.

“Chúng ta đang có một hành trình rất đẹp để hướng đến ngày trọng đại 30-4. Hy vọng rằng, toàn thể anh chị em sẽ tiếp tục luyện tập nghiêm túc, gắn kết và thấu hiểu hơn về ý nghĩa thiêng liêng của ngày lễ này”, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy bày tỏ.

Giữa dòng người đang hòa mình vào nhịp bước chuẩn bị cho ngày lễ lớn, có những vòng xe lăn vẫn kiên trì tiến về phía trước, không phải bằng đôi chân mà bằng ý chí và khát vọng. Có những bước chân của tuổi trẻ không chỉ là sự tiếp nối truyền thống, mà còn là sự sáng tạo và phát huy những giá trị truyền thống. Có những ánh mắt từng trải vẫn ánh lên niềm tin như năm nào...

Chính những con người ấy, với những câu chuyện riêng, những hành trình khác biệt, đang cùng nhau viết nên một “bản giao hưởng hùng tráng” của lễ kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, một minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục