Ông là Ngô Kỳ Vinh (60 tuổi), ngụ tại số 24 Trạng Trình, phường 9, Đà Lạt.
Nằm khép mình trong một con hẻm nhỏ trên đường Trạng Trình có một không gian “3 trong 1” (thư pháp, cà phê sách và ngôi nhà kỳ quái) được gia chủ tạo dựng cách đây chưa lâu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người, trong đó có cả du khách gần xa, người dân địa phương và nhất là các bạn trẻ.
Không gian tại đây được nhiều người biết đến không chỉ lạ về mặt ý tưởng mà còn rất độc đáo trong cách bày trí, thể hiện. Chủ nhân của không gian nghệ thuật có một không hai ở phố núi là một người đàn ông tuổi đã lục tuần trông dáng vẻ lãng tử, phong trần. Ông đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.
Trước mắt chúng tôi là một thư viện gia đình với nhiều đầu sách các loại; một không gian cà phê sách được thiết kế nhỏ gọn cùng hơn 800 câu thư pháp được gia chủ bày trí không đụng hàng. Cái cách “nhét chữ đầy nhà”, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, đủ mọi ngóc ngách… rất lạ mắt với những triết lý sâu sắc về cuộc sống, về đạo làm người, về lòng hiếu kính đã khiến không ít người tò mò đến đây mục sở thị. Ngoài không gian thư pháp và không gian cà phê sách, một không gian đặc biệt ấn tượng là mô hình ngôi nhà kỳ quái với những hình ảnh đầy mạ mị, cùng với đó là những âm thanh phát ra nghe… sởn tóc gáy! Thông điệp: “Đừng vô cớ biến mình thành những thây ma chỉ vì những phút giây nông nổi”, hay như “Đừng chết vì thiếu hiểu biết” hàm chứa nhiều ý nghĩa. “Tôi thiết kế mô hình ngôi nhà kỳ quái này không có ý nhát ma mọi người, mà cốt là dùng những hình ảnh ấy để chuyển tải đến các bạn trẻ thông điệp của cuộc sống”, ông Vinh chia sẻ.
Là người từng gắn bó từ những ngày đầu giúp ông Ngô Kỳ Vinh thiết kế mô hình ngôi nhà kỳ quái, anh Trần Anh Định, ở 212 Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP Đà Lạt như vui hơn và cảm thấy tự hào khi mô hình đã thực sự mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức để từ đó mọi người có thái độ sống tốt hơn, có ích hơn. Anh Định cho biết: “Thú thật, ban đầu khi bắt tay vào thiết kế mô hình cũng gặp không ít khó khăn, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Bù lại, niềm vui của tôi như được nhân lên, bởi mô hình đã góp phần thức tỉnh mọi người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn”.
Đến với không gian nghệ thuật “3 trong 1”, từ những bậc cao niên như ông Trần Thiên Độ (83 tuổi) thường trú ở số 36/3 Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP Đà Lạt cho đến các bạn trẻ như sinh viên Nguyễn Thị Hiền - Khoa Ngữ văn và văn hóa học, Trường Đại học Đà Lạt đều bày tỏ với chúng tôi sự thích thú đặc biệt mà không gian mang lại.