Khi là đất thổ cư, khi là đất nông nghiệp
Mảnh đất này do mẹ ông Phát mua và cho ông cất nhà ở từ năm 1990, sinh sống đến năm 2003 thì bị giải tỏa. Trong quyết định bồi thường lần đầu, UBND quận 2 xác định chỉ có 37m² đất ở (sử dụng trước năm 1993, được bồi thường 1,99 triệu đồng/m²) và gần 213m² còn lại là đất nông nghiệp (chỉ được bồi thường 150.000 đồng/m²). Vì trên phần đất này gia đình ông Phát đã cất nhà ở ổn định nhưng lại không được xác định là đất ở, nên ông khiếu nại.
Một năm sau (năm 2004), UBND quận 2 xác định lại: “Đây là đất ở trước năm 1993, nhưng theo quy định hạn mức đất ở của mỗi hộ không quá 200m² nên quận điều chỉnh bồi thường cho ông 200m² đất ở với giá 1,99 triệu đồng/m², còn 50m² vượt hạn mức thì bồi thường theo giá đất nông nghiệp 150.000 đồng/m²”.
Việc xác định loại đất ở như vậy để bồi thường đã được ông Phát đồng ý. Tuy nhiên, trong quyết định này lại “quên” áp dụng quy định tái định cư cho gia đình ông, nên ông lại phải khiếu nại đòi tái định cư. Bởi theo Điều 13 Quyết định 135/2002/QĐ-UB của UBND TPHCM, hộ nào có diện tích trên 100m2 đất mặt tiền hoặc trên 140m2 đất không phải là mặt tiền mà giải tỏa trắng thì được bố trí bằng một nền đất hoặc tái định cư bằng căn hộ chung cư. Gia đình ông Phát bị giải tỏa trắng với diện tích trên 140m2 nên thuộc đối tượng được tái định cư.
Thế nhưng khi ông Phát kiện đòi được bố trí tái định cư theo quy định, mãi 5 năm sau (năm 2009), UBND quận 2 xác định lại 200m² đất thổ cư đã công nhận trước đây trở thành đất nông nghiệp, vì vậy diện tích đất thổ cư chỉ còn 37m², nên chỉ tái định cư cho gia đình ông Phát trên 37m² nhà chung cư. Số tiền bồi thường cũng giảm xuống, chỉ được 123 triệu đồng.
Thấy quá bất hợp lý nên ông Phát lại phải mang đơn khiếu nại tiếp. Không những không giải quyết khiếu nại, UBND quận 2 tự ban hành quyết định điều chỉnh quyết định trước đây cũng của UBND quận 2, với nội dung hạ mức bồi thường bằng tiền cho gia đình ông Phát từ 123 triệu đồng xuống còn 51 triệu đồng.
Không thể khởi kiện vì hết thời hiệu
Muốn được bồi thường theo giá đất ở thì phải xác định đã cất nhà sinh sống trước năm 1993. Theo Văn bản số 2171 của UBND TPHCM năm 2013, trường hợp không có giấy tờ xác nhận thời điểm sinh sống thì phải có “xác nhận của UBND phường - xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất, thu thập ý kiến của người cùng cư trú thời điểm đó”.
Nhưng khi ông Phát yêu cầu chính quyền xác nhận thời điểm sinh sống, thì UBND quận 2 trả lời: Do địa bàn khu Thủ Thiêm đã giải tỏa toàn bộ, nên quận không thể lấy ý kiến người dân để xác định thời điểm gia đình ông Phát ở được. Thế là dù những người dân khu đó đã bị giải tỏa đi tứ tán, ông Phát hỏi thăm, tìm đến từng người nhờ xác nhận thời điểm ông bắt đầu sinh sống ở đó. Nhưng đến lúc này quận lại lấy lý do gia đình ông Phát “làm nhà sàn trên đất ao” nên không phải là đất thổ cư.
Hết đường, ông Phát phải gửi đơn kiện ra tòa, nhưng tòa trả lời đã hết thời hiệu khởi kiện. Ông Phát lại khiếu nại và được UBND TPHCM xác định hết thời hiệu là do lỗi của quận 2, và cho rằng đây là lỗi bất khả kháng, do lỗi của cơ quan nhà nước làm cho chủ thể không thể kiện trong thời hiệu khởi kiện. Do vậy, UBND TPHCM hướng dẫn ông Phát khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, tòa án vẫn không thụ lý, bởi trong vụ việc này, UBND quận 2 là bị đơn trong vụ kiện, thì lỗi của bị đơn không thể được xem là “sự kiện bất khả kháng” được.
Trả lời phóng viên Báo SGGP về việc này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, vẫn cho rằng “quận thực hiện đúng, đầy đủ theo trình tự, thủ tục và chính sách quy định”. Còn việc quận chậm trễ làm ông Phát mất quyền khởi kiện, thì UBND TPHCM đã hướng dẫn đương sự kiện ra tòa. Thế là, vì lỗi của quận 2, UBND TPHCM đã hướng dẫn kiện ra tòa, nhưng tòa không thụ lý đơn. Ông Phát mất luôn quyền khởi kiện! Một hồ sơ đầy ẩn khuất, với hơn chục quyết định của quận 2, nội dung nay thế này, mai thế khác.