Từ 6 giờ sáng nay, nhiều cây xăng thuộc hệ thống xăng dầu của Công ty Cổ phần vật tư - Xăng dầu (Comeco) đã hết sạch xăng để bán cho khách hàng. Cụ thể, tại 3 cây xăng trên đường Phan Huy Ích và Quang Trung (quận Gò Vấp), các nhân viên khoát tay từ xa báo hiệu cho khách hàng không còn xăng.
“Thường ngày, cửa hàng chúng tôi nhập về trên 10.000 lít, nhưng khuya nay chỉ nhập hơn 2.000 lít do phía cung cấp báo không còn hàng nên mới bán gần 6 giờ sáng đã hết sạch”, anh Phạm Đức Trọng, nhân viên tại đây cho biết.
Tương tự, ghi nhận thực tế các cửa hàng xăng của Comeco trên toàn địa bàn TPHCM như quận 5, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, thành phố Thủ Đức, đến 11 giờ trưa nay, không có cửa hàng nào còn xăng.
Ngoài hệ thống Comeco hết xăng, ghi nhận thực tế còn có một số cửa hàng treo bảng ngưng bán xăng để sửa chữa, thời gian dưới 1 tháng.
Riêng các hệ thống xăng dầu của Petrolimex, Sài Gòn Petro hay xăng dầu Quân Đội… vẫn bán bình thường. Theo các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tư nhân, số lượng xăng dầu chỉ còn bán được 1, 2 ngày nữa là “đứt” vì phía đầu mối thông báo không còn hàng.
“Ngoài nguồn cung khan hiếm, giá 1 lít xăng nhập về đang âm 800 đồng, chưa tính chi phí cửa hàng bỏ ra duy trì hoạt động nên vài ngày tới sẽ có hàng loạt cửa hàng đóng cửa, nếu tình hình không được cải thiện”, ông N.V.T chủ loạt cửa hàng khu vực Bình Triệu đưa ra dự báo.
Trước đó, tối 5-10, Công ty Cổ phần thương mại và Dịch vụ Cần Giờ đã có văn bản gửi đến Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường TPHCM thông báo sẽ tạm ngưng bán xăng dầu trong thời gian tới. Theo đó, công ty này giải thích, là thương nhân phân phối được cấp giấy theo số:345-TNPP/QĐ-BCT cấp ngày 22-9-2020 nên không thể nhập khẩu được xăng dầu, phải thông qua các thương nhân nhập khẩu để mua và cung cấp cho hệ thống bán lẻ của mình. Thời gian gần đây thị trường nhiên liệu trong nước và thế giới đang diễn biến phức tạp dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn nên các đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng cho doanh nghiệp bán lẻ. Do đó, công ty không còn nguồn hàng để đáp ứng duy trì hệ thống bán lẻ nên có thể sẽ tạm ngưng trong thời gian sắp tới. Hệ thống này hiện có 17 cửa hàng trực thuộc, 36 đại lý.
Theo lý giải của giới chuyên môn, hiện cơ sở tính giá xăng dầu nhập khẩu bị lạc hậu khiến doanh nghiệp càng nhập càng lỗ. Bên cạnh đó, việc ngân hàng siết cho vay nên doanh nghiệp không đủ vốn để mở L/C nhập khẩu xăng dầu. Từ đó, dẫn đến tình trạng nguồn cung khan hiếm trong thời gian qua và đến nay bắt đầu xuất hiện có hệ thống xăng dầu không còn hàng để bán.
Trong khi đó, hiện nay nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng gần 80% nhu cầu thị trường, chưa kể thời gian bảo trì sửa chữa các nhà máy lọc hóa dầu thường xuyên xảy ra khiến nguồn cung càng thiếu hụt nghiêm trọng.
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, đang phối hợp với cơ quan liên quan tìm hiểu, xác minh những cửa hàng hết xăng nhưng không có thông báo, nếu xác định có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Tuy vậy, nếu doanh nghiệp thực sự hết nguồn cung xăng dầu để bán thì không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Công thương. Theo Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu, cửa hàng xăng dầu muốn ngừng bán phải thông báo bằng văn bản về thời gian ngừng bán hàng gửi Sở Công thương, ghi rõ lý do ngừng bán hàng. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công thương chấp thuận bằng văn bản.
Hiện nay, trong số 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPHCM, thời gian qua chỉ ghi nhận 5-6 cửa hàng xin tạm ngưng trong thời gian sửa chữa, súc bồn, kiểm tra hệ thống PCCC, chưa có trường hợp xin tạm ngưng kinh doanh.
Với các trường hợp này, Sở Công thương đã xác minh, kiểm tra các hạng mục sửa chữa và xem xét lại thời gian ngưng dưới 30 ngày theo quy định, có những trường hợp chỉ chấp thuận ngưng từ 15-20 ngày.