Theo báo cáo của chủ đầu tư, tính hết tuần đầu tháng 7-2024, sản lượng toàn dự án đạt khoảng 79,76%, chậm 8,6% so với kế hoạch.
Trong đó, gói thầu J3-1 (thi công dầm chủ, bản mặt cầu và hệ cáp văng, bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính) đã đóng thầu ngày 20-3-2024, nhưng không có nhà thầu quốc tịch Nhật Bản nộp hồ sơ dự thầu. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) phải hủy thông báo mời thầu.
VEC đã có thư gửi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Tài chính đã có các công hàm gửi Đại sứ quán Nhật Bản và JICA đề xuất hủy gói thầu J3-1 khỏi phạm vi tài trợ của hiệp định vay, xem xét phương án tự thu xếp nguồn vốn (gần 860 tỷ đồng) để thực hiện gói thầu.
Cùng với khó khăn về lựa chọn nhà thầu, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang đối mặt tình trạng thiếu nguồn vật liệu đắp nền. Việc xử lý các chi phí phát sinh do dừng chờ, khiếu kiện của các nhà thầu còn nhiều vướng mắc.
Để đảm bảo tiến độ thi công dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị VEC khẩn trương làm việc với nhà tài trợ, xác định rõ phương án thực hiện gói thầu J3-1; xác định các chi phí phát sinh do dừng chờ, giải quyết các khiếu kiện của nhà thầu; đôn đốc tìm kiếm nguồn vật liệu cho dự án; huy động mọi nguồn lực, tăng ca kíp đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành đúng tiến độ…
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được đầu tư với tổng chiều dài gần 58km, đi qua 3 tỉnh, thành: Long An, TPHCM và Đồng Nai. Điểm đầu tuyến cao tốc tại huyện Bến Lức (Long An) kết nối cao tốc TPHCM - Trung Lương. Điểm cuối cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối với Quốc lộ 51 tại huyện Long Thành (Đồng Nai).
Công trình được khởi công từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2019. Tuy nhiên, một thời gian dự án bị dừng thi công do khó khăn về nguồn vốn, chính sách, nhà đầu tư phải xin lùi tiến độ đến quý 3-2025.