1. Khoảng một tuần lễ sau, tôi được mời ra trụ sở Tạp chí (phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) để trao đổi ý kiến về nội dung bài viết. Người tiếp tôi là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc này đang là Trưởng Ban Xây dựng Đảng. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Trước đó, cũng vài ba lần chúng tôi có dịp bàn bạc về bản thảo bài tạp chí mà tôi chấp bút cho lãnh đạo cơ quan. Nhưng lần gặp này, tôi thấy có ấn tượng hơn. Ngồi đối diện với tôi trong phòng khách của Tạp chí là một con người vừa mới bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở nước ngoài về, thái độ chân thành, thân mật, không có bất cứ một lời nói, cử chỉ nào tỏ ra kênh kiệu.
Hai chúng tôi đều là những người từ làng quê ra chốn thị thành, có lẽ vì thế mà dễ đồng cảm về vấn đề nông dân trong bài viết. Chúng tôi thống nhất với nhau nhiều điều và còn một số nội dung cần cân nhắc thêm, một số khía cạnh cần sửa chữa. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc đến một đoạn trong Di chúc, Bác Hồ viết những dòng đầy tâm huyết tôn vinh nông dân: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Có lẽ Bác Hồ đã tiếp nối được nguồn mạch của nhiều ông vua anh minh trong lịch sử dân tộc về khoan thư sức dân sau chiến tranh để làm kế rễ sâu gốc bền.
2. Sau này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội..., và cao nhất là Tổng Bí thư của Đảng ta. Dù bận công việc của người hoạt động chính trị, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn tham gia công việc của một cán bộ khoa học: hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các hội đồng chấm luận án tiến sĩ, báo cáo, thuyết trình các bài giảng, chuyên đề; viết bài hội thảo, viết bài cho một số tạp chí khoa học.
Hai chúng tôi nhiều lúc vẫn gặp nhau trong các hoạt động khoa học trên với tư cách là giảng viên đại học. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được chứng nhận và bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư vì có những đóng góp trên lĩnh vực đó. Có thể nhiều tổ chức hoặc cá nhân sẽ nhận xét đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở các khía cạnh khác. Đó thực sự là một người cộng sản mẫu mực vừa mới ra đi, bước lên trời xanh mây trắng. Tôi đã nghe nhiều bác trong khu dân cư nơi tôi sống cứ hay nói rằng đây là “người đốt lò vĩ đại”; còn những người lái xe taxi, người cắt tóc “hay chuyện” mà nhiều lúc tôi là “thượng đế” của họ, thì thấy họ vô cùng ngưỡng mộ đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Người như đồng chí Nguyễn Phú Trọng có thể ứng vào câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Kiều rằng: những đấng tài hoa/Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Nhìn ở khía cạnh từ cá nhân tôi tiếp cận trong công việc hàng chục năm qua, với tôi, chân dung về đồng chí Nguyễn Phú Trọng: đó là một con người nhân hậu; một con người say sưa, đam mê về hoạt động khoa học; một con người ăn ở có trước có sau, bền chặt tình đồng chí, đồng nghiệp, nghĩa đồng bào; một con người thẳng thắn, chân thành, thật thà, luôn cầu thị; một con người giản dị, khiêm tốn, có khiếu hòa vào cái chung của tập thể một cách tự nhiên như hít thở khí trời. Lịch sử của Đảng, của dân tộc - quốc gia này chắc chắn sẽ trân trọng ghi tên đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào những trang vàng bất diệt. Còn tôi, trong tâm khảm của mình, vẫn luôn có cảm hứng tốt đẹp mà đồng chí đã truyền cho.
GS-TS MẠCH QUANG THẮNG, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh